|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới

11:02 | 24/05/2019
Chia sẻ
Trung Quốc chuẩn bị nhập khẩu 800.000 tấn tôm vào năm 2019, vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu giáp xác lớn nhất thế giới, theo Cui He, Chủ tịch Liên minh Chế biến và Tiếp thị thủy sản Trung Quốc (CAPPMA).
Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Diễn đàn nuôi trồng thủy sản toàn cầu tổ chức tại Chu Hải, Trung Quốc. Nguồn: Undercurrent News

Ông Cui, Chủ tịch Liên minh Chế biến và Tiếp thị thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), cho biết sản lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến tăng 150.000 tấn so với năm 2018. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 650.000 tấn tôm thông qua các kênh nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp, gồm tôm nước lạnh và tôm nước ấm.

"Năm 2019, sản lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng và Trung Quốc và vượt qua Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới", ông Cui phát biểu trong Diễn đàn nuôi trồng thủy sản toàn cầu được tổ chức tại Chu Hải, Trung Quốc hôm 17/5.

Năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu 697.200 tấn tôm, ông Cui lưu ý.

Giá trị tôm nhập khẩu của Trung Quốc đạt 5 tỉ USD vào năm 2018. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất của Canada, Ecuador, Argentina, Arab Saudi và Iran.

Con số trên gồm cả tôm nhập lậu được vận chuyển chủ yếu từ Việt Nam qua biên giới phía nam Trung Quốc. Mặc dù hoạt động buôn lậu đang giảm dần nhưng khối lượng tôm nhập lậu vẫn ở mức 400.000 tấn tôm vào năm 2018.

Ông Cui cho biết việc nhập khẩu chính thức sẽ được cải thiện đáng kể nhờ chính sách triệt phá nạn buôn lậu và giảm thuế hải quan.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, sản lượng nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc năm 2018 (gồm tôm đỏ Argentina) thông qua các kênh chính thức đạt 192.991 tấn, tăng 203% so với năm ngoái. 

Sản lượng nhập khẩu tôm nước lạnh đạt 45.881 tấn. Trung Quốc cũng nhập khẩu tôm tươi sống với khối lượng không đáng kể.

Sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc

Theo ông Cui, Trung Quốc đã sản xuất 1,4 triệu tấn tôm trong năm 2018, gồm 1,3 triệu tấn tôm nuôi và 100.000 tấn tôm từ đánh bắt.

Năm ngoái, sản xuất tôm nuôi tăng ở cả phía bắc Trung Quốc - nơi có năng suất thấp và phía nam Trung Quốc - nơi thực hiện phương pháp nuôi thâm canh, có lợi nhuận cao hơn mức tiêu chuẩn.

"Trung Quốc là nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới và năm ngoái sản lượng tôm tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, chúng tôi không chú trọng đến vai trò là một nhà xuất khẩu trên thị trường toàn cầu như trước đây". 

Theo ông Cui, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 160.000 tấn sản phẩm tôm trong năm 2018 chủ yếu là các sản phẩm tôm giá trị gia tăng như tôm tẩm bột.

Năm 2018, khối lượng nhập khẩu cộng với sản xuất trong nước trừ đi xuất khẩu còn lại khoảng 2,2 triệu tấn tôm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Nhận xét về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Cui cho rằng thuế quan đã giáng một đòn nặng vào các ngành công nghiệp ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kì suy đoán nào về tác động của mức thuế 25% đối với việc xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ. 

Mỹ hiện chiếm hơn một nửa xuất khẩu tôm của Trung Quốc.

Với cuộc chiến thương mại, Trung Quốc ngày càng thắt chặt việc kiểm soát buôn lậu để đảm bảo không có sản phẩm nào của Mỹ xâm nhập vào nước này một cách bất hợp pháp để tránh thuế quan.

Bắc Trung Quốc - thị trường lớn nhất cho tôm đông lạnh

Sự gia tăng nhập khẩu trực tiếp đã phản ánh xu hướng trên thị trường tôm Trung Quốc.

Trong năm 2017, cảng nhập khẩu tôm lớn nhất của Trung Quốc là Quảng Châu, trung tâm của tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm 2018, sau sự gia tăng lớn trong nhập khẩu trực tiếp, cảng nhập khẩu lớn nhất hiện là Thiên Tân, nằm ở phía bắc Trung Quốc. 

Ông Cui cho biết điều này là do nhu cầu tôm đông lạnh của người tiêu dùng miền Bắc Trung Quốc tăng khi nguồn cung địa phương hạn chế, trong khi miền Nam Trung Quốc ưa chuộng tôm tươi sống hơn.


Linh Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.