Trung Quốc vượt mặt Mỹ thành đối tác thương mại lớn nhất của EU
Cơ quan thống kê Eurostat của EU cho biết Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái. Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và 27 thành viên EU đạt 586 tỷ euro (710 tỷ USD) trong năm 2020. Xuất khẩu của EU sang Trung Quốc và nhập khẩu đạt lần lượt là 202,5 tỷ euro và 383,5 tỷ euro.
Thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc cũng mở rộng từ 165 tỷ USD năm 2019 đến 181 tỷ euro năm 2020, tương đương mức tăng 9,9%.
Eurostat tuyên bố: "Trung Quốc là đối tác thương mại chủ chốt của EU năm 2020 do nhập khẩu tăng 5,6% và xuất khẩu tăng 2,2%. Trong khi đó, thương mại với Mỹ ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 13,2% và nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm 8,2%".
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 555 tỷ euro trong năm 2020, giảm 10% so với 2019.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của EU, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khối này, South China Morning Post (SCMP) cho biết.
EU và Trung Quốc đã tiến tới làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ thương mại vào ngày 30/12 với việc kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI), hứa hẹn tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp.
Những người chỉ trích cho rằng EU đã mang lại cho Bắc Kinh thắng lợi địa chính trị khi kết thúc thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong khi những lo ngại về cáo buộc lao động cưỡng bức tại Tân Cương vẫn còn bỏ ngỏ. Washington cũng từng cảnh báo về thỏa thuận này.
Chính quyền Biden đã báo hiệu ý muốn đương đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cần thiết của việc đẩy mạnh hợp tác với EU để chống lại Bắc Kinh trên mặt trận thương mại.
Ông Mick Marro, người đứng đầu mảng thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit nhận định kinh tế Trung Quốc phục hồi trong quý II/2020 nhờ nhu cầu quốc tế dành cho đồ điện tử, giải trí và y tế tăng mạnh trong bối cảnh các nước khác tái phong tỏa.
Trong khi đó, "Về mặt giá trị, dòng chảy thương mại Mỹ-EU thấp hơn nhiều so với mức lịch sử, phản ánh gián đoạn sản xuất và tiêu dùng ở cả hai thị trường".
Tuy nhiên, ông Marro nói thêm rằng cấu trúc tổng thể của quan hệ thương mại của EU với Mỹ và Trung Quốc về cơ bản không thay đổi.
"Tầm quan trọng của Mỹ với tư cách đối tác thương mại của EU không giảm đi đáng kể. Nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong dòng chảy thương mại xuyên Đại Tây Dương khi đại dịch được kiểm soát tại cả Mỹ lẫn Trung Quốc".
Theo ông Marro, doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc như động lực cho tăng trưởng kinh tế của EU. Thực trạng này sẽ làm khó cho ý đồ của ông Biden là bắt tay với châu Âu để điều phối chiến lược xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Tuy nhiên, ông Marro dự kiến EU vẫn sẽ về phe với Mỹ trong những vấn đề an ninh và nhân quyền.
Ông Christian Bluth, chuyên gia cấp cao về kinh tế quốc tế tại viện nghiên cứu Bertelsmann Stiftung cho biết EU ngày càng lo ngại về việc mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc.
"Phía châu Âu lo rằng EU đang trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc và các nhà sản xuất nước này. Đặc biệt nếu Trung Quốc sử dụng quyền lực kinh tế để theo đuổi các mục tiêu địa chiến lược, gia tăng thương mại với Trung Quốc có thể gây ra phản ứng dữ dội về mặt chính trị ở EU".