Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến ngày 15/7, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,9 tỉ USD, giảm 13,7% so với cùng kì năm 2019.
Theo đó, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 7/2020 ước đạt 240 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 2 tỉ USD, giảm 12,3% so với cùng kì năm 2019.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 với 59,4% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,04 tỉ USD, giảm 29,3% so với cùng kì năm 2019.
Trong thời gian này, ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Singapore là hai thị trường có giá trị xuất khẩu giảm lần lượt là 29,3% và 0,8%; các thị trường còn lại, hầu hết đều có giá trị xuất khẩu tăng như: Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kì năm ngoái; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Mỹ đạt 77 triệu USD. tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng hơn 13%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%; Hà Lan đạt 42,7 triệu USD, tăng 7%.
Lí giải nguyên nhân sụt giảm, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho hay giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm do xuất khẩu một số mặt hàng giảm trong đó có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với 34,2% tổng giá trị xuất khẩu, đạt 601,1 triệu USD, giảm 6%; chuối đạt 108,2 triệu USD, giảm 9,5%; sầu riêng đạt 47,5 triệu USD, giảm 71,2%, dưa hấu đạt 33,4 triệu USD, giảm 38,5%.
Ở chiều ngược lại, uớc giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7/2020 đạt 120 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2020 đạt 708 triệu USD, giảm 37,7% so với cùng kì năm 2019.
Tính trong 6 tháng đầu năm, Mỹ, Trung Quốc, Australia là ba thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam nhưng giá trị nhập khẩu giảm lần lượt 35,2% và 12,5% đối với Trung Quốc, Australia riêng nhập khẩu từ Mỹ tăng 27,5%.
Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lí hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm.
Bên cạnh đó, cấm mua - bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan…
Ngoài ra, từ ngày 1/7, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.