|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rau quả xuất khẩu thu về gần 1,8 tỉ USD trong nửa đầu năm, bật tăng tại nhiều thị trường

15:24 | 07/07/2020
Chia sẻ
Trừ Trung Quốc, các thị trường xuất khẩu khác của rau quả như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ...tăng trưởng rất mạnh trong những tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn không đủ bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6 năm 2020 ước đạt 285 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,79 tỉ USD, giảm 12,2% so với cùng kì năm 2019. 

Trừ thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu giảm, hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng như: Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4%; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,8%; Mỹ đạt 62 triệu USD, tăng hơn 6%, Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,5%; Hà Lan đạt 34 triệu USD, tăng 9%…

Rau quả xuất khẩu thu về gần 1,8 tỉ USD trong nửa đầu năm, bật tăng tại nhiều thị trường - Ảnh 1.

Giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm sang nhiều thị trường tăng mạnh như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ...Ảnh: Như Huỳnh.

Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thời gian tới, xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực. 

Cụ thể, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó, sẽ xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế, ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang…

Bên cạnh đó, hàng năm doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản sẽ nhập khẩu lượng lớn trái cây như chuối, vải do người tiêu dùng Nhật rất ưa chuộng loại trái cây này. Đây cũng là những mặt hàng được nhận định có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam sang thị trường Nhật.

Trước đó, trong tháng 6/2020, sau khi chuyên gia Nhật Bản tiến hành trực tiếp kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều của Việt Nam, lô vải thiều chính vụ Bắc Giang đã lần đầu được xuất khẩu qua đường hàng không và đến sáng ngày 20/6 đã có mặt tại Nhật Bản. 

Trong ngày mở bán đầu tiên (21/6), lô vải thiều tươi này đã bán hết chỉ trong vòng vài tiếng. Đáng chú ý, phía doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải Việt Nam. 

Khởi đầu thành công đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho quả vải thiều tươi đến với thị trường khó tính này.

Tại các thị trường khác, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngay từ thời điểm đầu vụ, giá vải thiều Bắc Giang vẫn ở mức cao: 40.000 - 45.000 đồng/kg và hiện có 300 điểm cân vải xuất khẩu đi Trung Quốc, cao hơn bình quân từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu lô vải thiều 30 tấn được sản xuất theo qui trình GlobalGap đi thị trường Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục thu mua khoảng 50 tấn vải chính vụ xuất khẩu sang Mỹ.

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.