|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc và tham vọng \"Một vành đai, một con đường\": Việt Nam sẽ ứng xử ra sao?

18:16 | 10/01/2017
Chia sẻ
Theo GS David M. Lampton, Việt Nam không có lựa chọn tham gia hay không, vì nếu không tham gia vào kết nối "Một vành đai, Một con đường" khả năng Việt Nam sẽ bị gạt ra khỏi các kết nối với khu vực.
trung quoc va tham vong mot vanh dai mot con duong viet nam se ung xu ra sao
GS. Lampton chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thái Hoàng.

Đây là chia sẻ của GS David M. Lampton, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế cao cấp ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ) tại tọa đàm Nghiên cứu về Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc với tiêu đề “Nghiên cứu về kết nối chiến lược cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN thuộc khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai, một con đường"” do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) tổ chức.

Theo GS David M. Lampton, không có sự lựa chọn cho Việt Nam tham gia hay không tham gia kết nối này của Trung Quốc. Theo ông, nếu không tham gia kết nối này, Việt Nam sẽ bị bỏ lại đằng sau. Bởi, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" được Trung Quốc đưa ra bằng cách đầu tư các tuyền đường sắt, hạ tầng giao thông tại các quốc gia láng giềng nhằm kết nối các điểm quan trọng tạo thành trọng tâm kinh tế khu vực.

Nghiên cứu từ phía GS Lampton cho biết, sáng kiến này không chỉ bắt đầu từ thời điểm ông Tập Cận Bình đưa ra, nó kế thừa từ quan điểm mở rộng ra bên ngoài của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm và trước đó người Pháp, người Nhật đều có ý tưởng,Tổng thống Malaysia cũng đưa ra nó vào những năm 1990. Tuy nhiên, đây là thời điểm lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có trong tay công nghệ, cơ sở hạ tầng để thực thi được kết nối hướng ra ngoài thế giới này.

"Tôi không rõ bao giờ chiến lược này hoàn thành nhưng tôi dự đoán sẽ trước năm 2040", GS Lampton cho biết.

Các thách thức của việc tham gia kết nối này và khả năng kiểm soát của Việt Nam là một câu hỏi quan trọng. Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng Việt Nam không có nhiều lựa chọn ở đây. Bởi nếu không tham gia vào kết nối "Một vành đai, một con đường", Việt Nam sẽ dần nằm ngoài các kết nối cơ sở hạ tầng đang định hình ở khu vực.

Vị giáo sư phân tích vấn đề của Việt Nam là tham gia kết nối này như thế nào, tham gia với ai, với mức độ ra sao. Cơ hội vẫn mở ra với việc thúc đẩy thương mại hàng hóa, dù vậy thách thức đáng kể hơn.

Khi kết nối hình thành, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ hoàn toàn mới từ Trung Quốc mà không biết rõ về cách họ làm, chất lượng thực sự của công trình và giá cả ra sao.

Nguy hiểm thứ hai là không tìm được công nghệ thích hợp nhất trong các dự án đầu tư của mình. Vị giáo sư lấy dẫn chứng ở Indonesia, Trung Quốc đã bán những công nghệ đắt đỏ nhất. Sau đó, những khoản nợ rất lớn đã để lại cho nước này.

GS Lampton cũng lưu ý về những đe dọa đối với an ninh quốc gia khi cho rằng kết nối nhiều hơn càng ngày sẽ càng phụ thuộc hơn vào các nước khác.

Vấn đề của Việt Nam cần là kiểm soát được mình. Một cách khác để nâng cao hiệu quả kết nối, Việt Nam có thể đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc và đa dạng hóa nhà đầu tư. Dù vậy, giáo sư Lampton đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng lực quản trị để đối phó với rủi ro của những nguồn vốn cho dù là từ Trung Quốc, Nhật Bản hay các quốc gia và định chế tài chính khác.

Không đồng ý với quan điểm Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác với sáng kiến Một vành đai, một con đường, PGS.TS Phạm Thái Quốc, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, trước đây Trung Quốc đưa ra một loạt các chính sách kết nối Việt Nam và ASEAN như Hai hành lang, một vành đai, một trục 2 cánh...Tuy nhiên nhiều sáng kiến này im lặng không ai hưởng ứng cả. Gần đây Trung Quốc ngỏ ý muốn tài trợ như dự án đường cao tốc Quảng Ninh – Móng Cái nhưng phía Việt Nam đã từ chối.

Các nước trong khu vực ASEAN đang bắt đầu thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu kết nối này. Singapore và Malaysia đã tham gia vào kết nối đầu tiên, Lào cũng đã đồng ý với sáng kiến, Myanmar cũng đã tiến hành. Nếu Trung Quốc thành công với chiến lược “Một vành đai, Một con đường” Trung Quốc sẽ mạnh hơn, nhưng làm thế nào để những nước như Việt Nam, Malaysia hưởng lợi và không mất cân bằng đó mới là vấn đề, vị giáo sư bày tỏ.

Thái Hoàng