Trung Quốc tăng gấp đôi nhập khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) mới đây dẫn số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy 5 tháng đầu năm 2023, nước này đã nhập khẩu gần 137 nghìn tấn cá tra, cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng sản phẩm cá tra nguyên con xẻ bướm nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 105% với 42,1 nghìn tấn. Khối lượng nhập khẩu cá tra phile đông lạnh đạt gần 95 nghìn tấn, giảm nhẹ 2%.
Sản phẩm cá tra nguyên con xẻ bướm chỉ chiếm 18% nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng năm nay, con số này lên tới 31%.
Tuy nhiên, giá trung bình nhập khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm vào thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,94 USD/kg. Trong khi đó, giá cá tra phile đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc cũng thấp hơn 15% so với cùng kỳ, đạt 2,13 USD/kg.
Lượng tồn kho nhiều, giá nhập khẩu giảm cùng với sự hồi phục nhu cầu chậm là những yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ. Theo thống kê Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 39% đạt 217 triệu USD.
Các địa phương nhập khẩu cá tra phile đông lạnh nhiều nhất gồm: Quảng Đông, Sơn Đông, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thượng Hải, Trạm Giang…chiếm tổng cộng 86% khối lượng nhập khẩu của cả nước. Riêng tỉnh Quảng Đông chiếm 35%, Sơn Đông chiếm 15%.
Cá tra nguyên con xẻ bướm được nhập khẩu nhiều nhất vào Quảng Đông (chiếm 52%), Sơn Đông (15%), Thượng Hải (14%), Hồ Nam (8%)…
Riêng trong tháng 5/2023, nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc đạt 24,6 nghìn tấn, trị giá gần 50 triệu USD, giảm lần lượt 27% và 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ba năm áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chi tiêu của nhiều hộ gia đình Trung Quốc.
Sự bất ổn kinh tế đã ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu thành thị của Trung Quốc trong bối cảnh lương giảm và cắt giảm việc làm trong các lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ đến dịch vụ tài chính. Chi tiêu của những người trẻ tuổi, nhân khẩu học tiêu dùng tích cực nhất của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thất nghiệp, với con số 20% trong nhóm này thất nghiệp.
"Thực tế này tại Trung Quốc có thể cần thêm thời gian để cải thiện, khi đó nhu cầu tiêu thụ trong nước mới thực sự có cơ hội phục hồi, khi đó cánh cửa cho các sản phẩm nhập khẩu trong đó có thủy sản và cá tra mới rộng mở và sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, về ngắn hạn, giai đoạn nửa cuối năm, nhu cầu của thị trường này cũng sẽ khởi sắc hơn so với nửa đầu năm, khi đất nước và người dân có những điều chỉnh thích nghi dần với bối cảnh mới hậu COVID-19", VASEP nhận định.