Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong 5 năm tới
Báo cáo công bố hôm thứ Ba của IATA ước tính 7,8 tỷ hàng khách sẽ di chuyển bằng đường hàng không vào năm 2036, gấp gần 2 lần con số 4 tỷ người được dự báo trong năm nay. Trong đó, một nửa số hành khách sử dụng hàng không để di chuyển trong 20 năm tới sẽ sống ở châu Á.
Tuy nhiên, dù dự báo về sự thay đổi đáng kể của tổ chức hàng không sẽ diễn ra trong 2 thập kỷ tới, sự thay đổi lớn nhất sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ, trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022, sớm hơn dự báo trước đó là 2 năm. Thị trường hàng không được định nghĩa như sự di chuyển đến, đi và trong một quốc gia.
Máy bay của hãng hàng không Spring cất cánh từ sân bay Hồng Kiều, Thượng Hải. Ảnh: CNN Money |
Ngoài ra, các hãng hàng không của Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng nhiều đường bay quốc tế trong những năm gần đây. Trong đó, Air China và Hainan Airlines đã công bố 3 tuyến bay mới tới Mỹ trong tuần này, gồm từ Thâm Quyến tới Los Angeles, từ Trùng Khánh và Thành Đô đi New York.
Theo IATA, những thị trường mới nổi tại châu Á sẽ thống trị ngành hàng không trong vòng 20 năm tới. Nước Anh, hiện đang là thị trường lớn thứ 3 thế giới, sẽ tụt xuống ở vị trí thứ 5 sau Ấn Độ vào năm 2025 và sau Indonesia trong năm 2030.
Sức ảnh hưởng của thị trường châu Âu sẽ tiếp tục suy yếu, vì Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham gia vào bảng xếp hạng 10 thị trường hàng không lớn nhất trong 20 năm tới. Trong khi đó, Pháp và Italy sẽ lần lượt rớt xuống vị trí thứ 11 và 12.
CNN Money cho biết, cả Ấn Độ và Indonesia đang hoặc sắp trở thành những quốc gia mua chuyên cơ mới nhiều nhất từ Airbus, Boeing. Bên cạnh đó, nhiều hãng hàng không giá rẻ đang cải thiện giá máy bay.
Airbus và Boeing đang gia tăng sản xuất mẫu máy bay thân đơn và thân kép phổ biến nhất của họ để đáp ứng nhu cầu đơn hàng đang tăng trưởng và để thay thế những chiếc máy bay cũ, kém hiệu quả.
Hôm thứ Tư (25/10), đại diện của Boeing cho biết đang gây áp lực nội bộ để tăng sản xuất mẫu máy bay thân đơn 737, phần lớn là vì nhu cầu từ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc tăng lên.
Boeing ước tính Trung Quốc sẽ cần nhiều hơn 7.200 máy bay mới với trị giá hơn 1.000 tỷ USD trong thời gian tới.
Airbus và Boeing đều thành lập các công ty đại diện tại Trung Quốc, với Airbus có nhà máy lắp ráp hoàn thiện mẫu máy bay A320 ở Thiên Tân và Boeing xây dựng nhà máy mới gần Thượng Hải, nơi lắp đặt thiết bị bên trong mẫu máy bay 737 trước khi được chuyển tới các hãng máy bay của Trung Quốc.
Trong khi Airbus và Boeing tập trung vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đã bắt đầu thử nghiệm mẫu máy bay tự sản xuất C919 của Công ty Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) trong năm nay.