Trung Quốc nói gì trước đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam?
Tại kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra hôm 27/11, Bộ trưởng Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào nước này. Đồng thời, ông cũng đề nghị mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực.
Phản hồi vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Vương Văn Đào cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc.
Đồng thời các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng nuôi theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Trước đó, tại một hội thảo diễn ra hôm 25/11, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tôm hùm (tôm hùm xanh và tôm hùm bông) của Việt Nam, chiếm 98-99% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022 do những yêu cầu mới của thị trường 1,4 tỷ dân.
Theo đó, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Đến tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021.
Đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu .
Tôm hùm hợp lệ cho xuất khẩu sang Trung Quốc phải bắt nguồn từ con giống F2. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên, mang về nuôi cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên.
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm hùm giống nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore.
Ông Khôi cho rằng ngành tôm hùm gặp khó khăn khi một số nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu khiến nguồn cung thiếu ổn định.
Bên cạnh đó, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus – WSSV trong tháng 7 vừa qua. Những lô hàng tôm nhiễm bệnh này có thể gây ra rủi ro cho người nuôi.
"Doanh nghiệp của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc), nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy phép nào được cấp", ông Bá Anh nói.
Còn nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng, đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.
Hiện, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nuôi đăng ký theo biểu mẫu. Sau khi nhận được thông tin, phía hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt chính thức các cơ sở nuôi, cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này.
Việt Nam hiện có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm, nằm trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc.