|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc muốn tăng quyền lực trong ngành xe hơi toàn cầu

07:29 | 25/07/2019
Chia sẻ
Các hãng xe Trung Quốc tăng rót tiền vào thương hiệu ngoại nổi tiếng để tiếp cận công nghệ và tìm động lực tăng trưởng mới.

Trung Quốc từ lâu đã là thị trường chủ chốt cho các hãng sản xuất ôtô toàn cầu. Hiện tại, họ còn muốn tăng vai trò là nhà đầu tư trong ngành này, khi đẩy mạnh rót vốn vào mảng xe và xe tải hạng nặng.

Hôm qua, Beijing Automotive Group (BAIC) mua 5% cổ phần Daimler - hãng sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz. 

Thương vụ này biến BAIC thành cổ đông lớn thứ 3 của Daimler. Đây là khoản đầu tư chiến lược lớn nhất của một công ty quốc doanh Trung Quốc vào thị trường xe toàn cầu.

Trung Quốc muốn tăng quyền lực trong ngành xe hơi toàn cầu - Ảnh 1.

Công nhân trong một nhà máy của Beijing Benz Automotive. Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, hơn một nửa số thương vụ công ty Trung Quốc mua cổ phần hãng xe nước ngoài kể từ năm 2008 diễn ra trong 2 năm qua. 

Đi tiên phong là Zhejiang Geely Holding Group của tỷ phú Li Shufu, khi mua Volvo Cars từ Ford Motor năm 2010. 4 năm sau, Dongfeng Motor tham gia rót vốn vào Peugeot và nhận lại 14% cổ phần.

Thương vụ lớn nhất là Geely mua 9 tỷ USD cổ phần trong Daimler tháng 2/2018. 9,7% cổ phần này đã biến họ thành cổ đông đơn lẻ lớn nhất trong hãng xe sang Đức.

"Việc hai công ty Trung Quốc cùng có cổ phần trong một hãng xe ngoại cho thấy các doanh nghiệp nước này ngày càng hứng thú với việc đầu tư vào thương hiệu ngoại có tên tuổi", Rachel Miu - nhà phân tích tại DBS Group tại Hong Kong cho biết. 

Dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến việc này khó khăn hơn, các công ty Trung Quốc cũng không từ bỏ kế hoạch toàn cầu hóa.

Khoản đầu tư vào Daimler đã lót đường cho một trong các trụ cột công nghiệp của Trung Quốc tăng tiếp cận công nghệ xe sang, đúng thời điểm thị trường ôtô Trung Quốc đi xuống cả năm qua. 

Việc này cũng sẽ giúp các công ty Trung Quốc có động lực hơn trong việc tìm tăng trưởng ở nước ngoài, dù cả thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang chậm lại.

Mối quan hệ thân thiết giữa Daimler và BAIC - hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, cũng có thể cho phép cả hai huy động nguồn lực của nhau, trong bối cảnh ngành này đang chuyển hướng tập trung sang xe điện và xe tự lái. 

Các công ty xe điện như Tesla (Mỹ) hay NIO (Trung Quốc) đang đe dọa các hãng xe truyền thống. Trong khi đó, các đại gia công nghệ như Baidu, Tencent và Alphabet lại đang đẩy mạnh mảng xe tự lái.

Hợp tác với các thương hiệu phương Tây còn giúp các công ty Trung Quốc tăng uy tín khi muốn giành khách hàng ở Mỹ và châu Âu. 

Geely hợp tác với Volvo Cars để cải thiện dòng sản phẩm và dịch chuyển lên phân khúc cao cấp hơn. Công ty này cũng lập liên doanh với Daimler để biến thương hiệu nhỏ Smart của Daimler thành xe điện tại Trung Quốc.

Ngoài Geely, các hãng xe Trung Quốc khác như Guangzhou Automobile Group, Great Wall Motor và Zotye Automobile cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc bán xe tại phương Tây. 

Dù các công ty Trung Quốc đã tham gia triển lãm ôtô ở châu Âu và Mỹ, cũng như mở văn phòng và cơ sở nghiên cứu tại đây, rất ít doanh nghiệp đã thực sự bán hàng.


Hà Thu