Toyota 'thất vọng sâu sắc' bởi lập trường về xe ô tô nhập khẩu của ông Trump
Toyota và các tổ chức thương mại về ô tô bày tỏ sự thất vọng về đề tranh chấp mới mà ông Trump khơi mào. (Ảnh: Reuters)
Sau tuyên bố của ông Trump, phần lớn nhà sản xuất xe hơi lớn trên thế giới đều im lặng, ngoại trừ Toyota. Tập đoàn Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích gay gắt quan điểm của Tổng thống Mỹ và cho biết đây "sẽ là bước lùi rất lớn cho người tiêu dùng, công nhân và cả nền công nghiệp ô tô nước Mỹ".
Mặc dù tuyên bố của JAMA mạnh mẽ khác thường, tác giả của tuyên bố này không phải ai xa lạ mà chính là ông Akio Toyoda - Chủ tịch Toyota Motor - cũng chính là Chủ tịch JAMA - tổ chức thương mại có tầm ảnh hưởng lớn.
"Chúng tôi rất thất vọng khi nghe được thông điệp cho thấy những đóng góp đầu tư và việc làm lâu dài của chúng tôi tại Mỹ không được hoan nghênh", ông Toyoda tuyên bố hôm 21/5. "Với cương vị chủ tịch, tôi vô cùng đau buồn trước quyết định này".
Việc sử dụng ngôn từ như vậy là không bình thường đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng rằng ông Trump có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 tới.
Hôm 17/5 vừa qua, ông Trump đã đồng ý với Bộ Thương mại Mỹ, theo đó kết luận nhập khẩu xe ô tô và phụ tùng đã đe dọa đến an ninh quốc gia bằng cách "ăn mòn" thị phần của các hãng sản xuất ô tô Mỹ kể từ những năm 1980.
Nhà Trắng đã đình chỉ thời hạn áp thuế quan đối với xe ô tô trong 180 ngày nhằm tổ chức đàm phán với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và các nhà xuất khẩu ô tô lớn khác.
"Bất kì biện pháp hạn chế thương mại cũng sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào ngành công nghiệp ô tô và kinh tế Mỹ. Và nó không chỉ gây bất lợi cho người tiêu dùng Mỹ mà còn ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của xe ô tô do Mỹ sản xuất và hạn chế đầu tư doanh nghiệp vào Mỹ", Chủ tịch Toyota nói.
Theo tuyên bố trên, ngành ô tô Nhật Bản có tổng cộng 24 nhà máy, 45 trung tâm nghiên cứu và phát triển (hay trung tâm thiết kế) và 39 trung tâm phân phối ở 28 tiểu bang của Mỹ.
Các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản đã đầu tư xấp xỉ 51 tỉ USD vào cơ sở sản xuất và cung cấp hơn 93.000 việc làm trực tiếp cho người dân Mỹ.
Toyota là tập đoàn có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc tranh chấp thương mại tại Mỹ lần này bởi hãng này bán bán khoảng 23% xe hơi sản xuất được cho thị trường Mỹ, cao hơn so với con số 21% ở thị trường quê nhà.
Toyota đã và đang thực hiện các bước để tránh bị tổn hại bởi lập trường thương mại ngày càng gây tranh cãi của Tổng thống Trump.
Hai tháng trước, hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản này đã bổ sung 3 tỉ USD vào kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 10 tỉ USD cho thị trường Mỹ mà họ công bố hồi đầu năm 2017 sau khi nhận về chỉ trích từ Tổng thống Trump (khi ấy vừa mới nhậm chức) vì kế hoạch chế tạo xe Corolla ở Mexico.
Mặc dù vậy, tất cả nỗ lực này cũng không thể kìm lại những đe dọa tăng thuế quan lên 25% đối với xe ô tô và linh kiện nhập khẩu từ Nhà Trắng.
Các tổ chức ô tô khác cũng đã bày tỏ quan ngại về quan điểm trái chiều của chính quyền Trump. Liên minh các nhà sản xuất ô tô (AAM), một tổ chức thương mại đại diện cho hàng chục nhà sản xuất xe hơi lớn trong và ngoài nước có hoạt động tại Mỹ, đã cảnh báo vào hôm 17/5 rằng giá xe cao hơn do thuế quan có thể khiến 700.000 việc làm tại Mỹ bị xóa sổ.
Theo Toyota, người tiêu dùng cũng sẽ ngay lập tức cảm nhận được hậu quả của thuế quan và hạn ngạch mới nếu có bởi chúng sẽ đẩy giá xe lên cao hơn hẳn, đồng thời lựa chọn của họ cũng bị hạn chế dần đi.