Ngành công nghiệp xe hơi Đông Nam Á 'thay da đổi thịt'
Ngành công nghiệp xe hơi Đông Nam Á "thay da đổi thịt" nhờ nhu cầu tăng, xe điện và xe tự lái. (Ảnh: AFP)
Đông Nam Á đang nhanh chóng trở thành một trong những khu vực năng động và công nghiệp hóa nhất trên thế giới.
Đóng góp vào tốc độ phát triển nhanh chóng này là một thị trường ô tô đang phát triển nhờ nhu cầu về ô tô tăng. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác chiến lược cũng góp phần mở đường cho việc giới thiệu các công nghệ mới nhằm cải thiện khả năng di chuyển của người dân khu vực Đông Nam Á.
Doanh số bán xe hơi ở Đông Nam Á tăng năm thứ ba liên tiếp
Nhiều phương tiện truyền thông từng đưa tin rằng doanh số bán xe ở Đông Nam Á đã tăng 6% trong năm 2018 - đây là năm thứ ba liên tiếp ghi nhận xu hướng này.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Đông Nam Á trong năm 2018 là một tin tuyệt vời cho các nhà sản xuất ô tô, với tổng doanh số bán xe mới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philipines và Malaysia đạt 3,57 triệu đơn vị.
Mặc dù các nhà phân tích dự đoán doanh số bán xe sẽ đi xuống do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, con số được kì vọng sẽ tăng lên 4,29 triệu đơn vị vào năm 2019, theo dự báo của HIS Markit.
Các tập đoàn công nghiệp ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều dự kiến doanh thu không thay đổi trong năm 2019, theo đó tin rằng nhu cầu trong khu vực sẽ bị tổn hại nếu nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Indonesia
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo) cũng cho rằng doanh thu không thay đổi của Malaysia là do lãi suất cho vay cao, lạm phát không ổn định và sức mua trì trệ.
Được thúc đẩy bởi đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng tư nhân, doanh số bán xe của Indonesia đã tăng 7% lên 1,15 triệu đơn vị trong năm 2018. Tuy nhiên, khi so sánh với cùng năm ngoái, quí đầu tiên của năm 2019 ghi nhận mức giảm doanh số là 13%.
Để phục hồi doanh số bán xe chững lại, Gaikindo sẽ tổ chức triển lãm xe ô tô vào đầu tháng 7 để đáp ứng mục tiêu bán hàng cuối năm trong nước là 11 triệu xe.
Thái Lan
Doanh số bán ô tô của Thái Lan đã tăng 12,9% trong hai tháng đầu năm 2019 với 160.385 đơn vị được bán ra, theo báo cáo của Toyota Motor Thái Lan. Là thị trường ô tô lớn thứ hai sau Indonesia, Thái Lan dự kiến sẽ chiếm 29,3% doanh số xe ô tô trong năm 2019 tại khu vực Đông Nam Á.
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã báo cáo xuất khẩu sản phẩm ô tô của Thái Lan đạt 950 tỉ baht năm 2018 và dự kiến đạt 2,15 triệu chiếc trong năm 2019.
Philippines
Dựa trên dữ liệu do Phòng Sản xuất Ô tô Philipines (CAMPI) công bố, quí I/2019 ghi nhận doanh số bán xe ở mức 32.173 chiếc, tăng 14% so với năm ngoái.
"Tăng trưởng hai con số trong tháng 3 so với cùng kì năm ngoái là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang trên đà phục hồi. Chúng tôi lạc quan rằng xu hướng này sẽ được duy trì trong những tháng tới", Chủ tịch CAMPI Rommel Gutierrez nói.
Việt Nam và Malaysia
Doanh số xe ô tô của Việt Nam trong tháng 3 tăng 52,9% và được kì vọng sẽ đi lên vào cuối năm nay.
Malaysia cũng chứng kiến một sự gia tăng doanh số bán xe hồi đầu năm nay với mức tăng 8,7%, tuy nhiên cũng ghi nhận 19,4% sản lượng ô tô sụt giảm. Con số này được dự đoán sẽ tăng 3,6% vào cuối năm nay, chủ yếu là do ảnh hưởng từ công cuộc cải cách chính trị của chính quyền mới.
Sự phổ biến của xe điện và xe tự lái "hút" vốn đầu tư cho ngành ô tô Đông Nam Á
Đổi mới trong công nghệ và thay đổi trên thị trường đang giúp ngành công nghiệp ô tô tạo ra những sản phẩm tiên tiến, an toàn và thoải mái nhất.
Đến năm 2030, ngành ô tô sẽ phụ thuộc vào các xu hướng đột phá dựa trên công nghệ như tính di động đa dạng, ô tô tự lái, điện khí hóa và kết nối.
Tháng 11/2018, bên cạnh 25 triệu USD rót vào trước đó hồi tháng 1 cùng năm, Hyundai Motor Group của Hàn Quốc đã đầu tư thêm 250 triệu USD vào nền tảng thuê xe và thanh toán điện tử của Grab.
Khoản đầu tư này được kì vọng sẽ thúc đẩy năng lực của Hyundai để hãng có thể dẫn đầu thị trường ô tô Đông Nam Á trong tương lai cũng như khám phá các sức mạnh tổng hợp tiềm năng trong nền kinh tế chia sẻ.
Hyundai Group đang tập trung vào Singapre để sản xuất một nền tảng dịch vụ di chuyển mới với Grab, theo đó sử dụng các dòng xe điện thân thiện với môi trường của hãng như Hyundai Ioniq Electric và Hyundai Kona Electric.
Công ty vận tải đường bộ ComfortDeGro cũng đã bổ sung vào đội xe của mình 200 chiếc Hyundai Ioniq hồi đầu năm nay. Singapore cũng đã mở rộng mạng lưới trạm sạc để khuyến khích sử dụng công nghệ xe điện (EV).
Malaysia đã lên kế hoạch mua 100.000 xe điện, 2.000 xe buýt điện và xây dựng 125.000 trạm sạc cho đến năm 2030. Sự phổ biến của xe ô tô điện có thể dẫn đến sự gia tăng trong cơ sở hạ tầng hỗ trợ, từ đó thúc đẩy việc sử dụng xe điện ở khu vực Đông Nam Á và cuối cùng, giảm lượng khí thải carbon.
Trong cuộc đua hướng tới việc chế tạo xe tự lái, Google đang dẫn đầu với dịch vụ taxi Waymo One. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambrigde, một mạng lưới sẽ tự lái có khả năng cải thiện lưu lượng giao thông ít nhất 355. Tuy nhiên, an toàn cho người đi bộ vẫn khiến công nghệ xe tự lái duy trì ở giai đoạn thử nghiệm.
Khi những phát triển thú vị tiếp tục diễn ra, ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á có thể sẽ nằm trong tầm ngắm của các chuyên gia công nghệ và đầu tư, hứa hẹn tương lai xán lạn.