Người Việt chuộng dùng tiền mặt hàng đầu Đông Nam Á
Báo cáo "Số hóa tiền mặt ở ASEAN" của ngân hàng Standard Chartered vừa được công bố cho thấy các giao dịch tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo tại Việt Nam.
Cụ thể, hơn 90% giao dịch giao dịch mua hàng trực tuyến tại Việt Nam thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD). Con số này ở các nước khác dao động từ 47 đến 65%, ở Singapore chỉ 10%.
Về tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng với người từ 15 tuổi trở lên, Việt Nam cũng đội sổ trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu với 31%. Tỷ lệ này ở Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore lần lượt là 35%, 49%, 82%, 86% và 98%.
Nguồn:Standard Chartered.
Standard Chartered nhận xét ngoài Singapore, các phương tiện thanh toán truyền thống vẫn phổ biến hơn đối với phần còn lại ASEAN.
Nguyên nhân khiến người dân không chỉ tại Việt Nam mà cả các nước ASEAN vẫn ưa chuộng tiền mặt theo Standard Chartered gồm thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động, sử dụng của thanh toán số. Ngoài ra còn lý do lo ngại thông tin tài chính cá nhân; ý niệm tiền mặt vẫn là phương pháp thanh toán đơn giản nhất; các doanh nghiệp nhỏ và vừa lo chi phí khi đầu tư hạ tầng thanh toán số.
Trong số các phương thức thanh toán kỹ thuật số hiện tại ở khu vực, ví điện tử được các chuyên gia của Standard Chartered nhận định là kênh thanh toán phát triển nhanh và có tương lai hứa hẹn.
Đơn cử như ở Việt Nam, hiện có khoảng 20 ứng dụng ví điện tử trên thị trường. Standard Chartered dẫn thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 cho biết tổng giá trị giao dịch trên ví điện tử tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD.
"Với mục tiêu kéo tỷ lệ giao dịch tiền mặt xuống dưới 10% đến năm 2020, thị trường ví điện tử được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp lớn", Standard Chartered dự báo.