Trung Quốc muốn tăng đầu tư vào lĩnh vực ôtô tại Việt Nam
Thông tin được Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long nêu tại cuộc họp với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngày 30/9 tại Bắc Kinh. Cuộc họp diễn ra trong chuỗi sự kiện kỳ họp thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc tăng hợp tác với các công ty sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước để cung cấp các dòng xe thương mại phù hợp định hướng, thị trường.
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Kim Tráng Long nhìn nhận công nghiệp ôtô là lĩnh vực hai nước có nhiều tiềm năng phát triển. Ông cho hay nhiều hãng xe lớn của nước này có kế hoạch tăng rót vốn vào Việt Nam. "Phía Trung Quốc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, dựa trên nhu cầu của mỗi nước", ông Kim Tráng Long nói.
Ông Kim Tráng Long cũng đề nghị Việt Nam có cơ chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp nước này phát triển, làm ăn lâu dài tại đây.
Hiện nhiều hãng xe trong top 10 của Trung Quốc như BYD, Geely, Chery, Great Wall, SAIC, Wuling có mặt tại thị trường Việt Nam. Gần nhất, Geely ký hợp đồng liên doanh với Tasco xây nhà máy tại Thái Bình, vốn đầu tư 168 triệu USD. Trước đó, BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam, với kế hoạch mở 50 đại lý trên cả nước.
Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành ôtô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó tích hợp các nội dung về phát triển xe điện, năng lượng xanh tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì ở mức cao, bình quân 6,17% mỗi năm. Nhờ đó, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Ông Diên thông tin Việt Nam đang cơ cấu lại công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng chế biến, chế tạo. Vì thế, ông đề nghị phía Trung Quốc tăng hợp tác trong ngành công nghiệp tiêu dùng, đầu tư vào các dự án khai thác chế biến khoáng sản có công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường, thị trường tiêu thụ.
Với công nghiệp hỗ trợ, ông Diên đề nghị hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Kim Tráng Long cũng đề cập đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ. "Vừa rồi, Thái Lan đã tham gia vào trạm không gian vũ trụ của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, Việt Nam sẽ là một thành viên trong đó", Bộ trưởng Kim Tráng Long đề xuất. Ông cũng kêu gọi Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy bay. Phía Trung Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp hàng không.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc vượt lên là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (540 dự án) tại Việt Nam. Tổng vốn đăng ký các dự án này đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới. Lũy kế đến cuối tháng 7, FDI đăng ký của Trung Quốc là 28,5 tỷ USD với 4.754 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6 trên 147 đối tác đầu tư.