|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư FDI mới vào Việt Nam

17:00 | 19/08/2024
Chia sẻ
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước trong 7 tháng đầu năm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước.

Lũy kế, tính đến hết tháng 7, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.750 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 28,544 tỷ USD, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số về dự án và vốn đăng ký, với 2.630 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 22,7 tỷ USD.

Tiếp theo là lĩnh vực điều hòa với 7 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,22 tỷ USD; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 92 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,359 tỷ USD…

Xét về số dự án, TP. HCM là địa phương thu hút nhiều dự án FDI từ Trung Quốc nhất với 731 dự án, có tổng vốn đăng ký 321,02 triệu USD.

Tiếp theo là Bắc Ninh với 702 dự án, có tổng vốn đầu tư 1,160 tỷ USD, Hà Nội xếp thứ ba về số dự án của nhà đầu tư Trung Quốc với 659 dự án, có tổng vốn đăng ký 570,61 triệu USD.

Trong 56 địa phương thu hút được vốn FDI từ Trung Quốc, Tây Ninh thu hút nhiều vốn nhiều nhất với 104 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,82 tỷ USD; tiếp đến là Bắc Giang với 183 dự án, có tổng vốn đăng ký 2,278 tỷ USD và Bình Thuận, 9 dự án với tổng vốn đăng ký 2,039 tỷ USD.  

Ngoài ra, còn có nhiều địa phương thu hút được từ hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc trở lên, bao gồm: Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tiền Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, và Bình Phước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… Mấy năm trở lại đây, vốn Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh.

Dự báo, triển vọng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất phục hồi, nhất là xu hướng tăng cường đầu tư, hợp tác nhằm tận dụng ưu đãi từ những thỏa thuận hợp tác song phương cũng như hiệp định đa phương mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Ngọc Bảo