Trung Quốc: Máy bay do AI điều khiển đánh bại con người trong trận chiến ngoài đời thực
Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho biết họ đã tiến hành một trận chiến một đối một mang tính bước ngoặt giữa máy bay không người lái do AI điều khiển và con người trong bối cảnh thế giới thực, tờ South China Morning Post đưa tin.
AI sẽ sớm trở thành vua bầu trời
Theo một báo cáo mới, cỗ máy trí tuệ nhân tạo đã cho thấy hiệu suất vượt trội trong các trận chiến tầm gần tiên tiến và khiến đối thủ là con người luôn ở thế yếu. Báo cáo được xuất bản một tháng sau khi quân đội Mỹ cho biết một phi công trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây đã thực hiện nhiều nhiệm vụ thử nghiệm, bao gồm cả diễn tập chiến đấu, trên một máy bay chiến đấu F-16 thực sự.
Trận không chiến của Trung Quốc có sự tham gia của hai máy bay không người lái – một chiếc được điều khiển bởi AI và chiếc còn lại được điều khiển từ xa bởi phi công là con người thật trên mặt đất.
Khi cuộc chiến bắt đầu, con người đã hành động trước để chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, dường như AI đã dự đoán được ý định của anh ta, và đã vượt qua đối thủ, thực hiện một động tác phản đòn và áp sát phía sau đối thủ của nó.
Chiếc máy bay do con người điều khiển bổ nhào để dụ cỗ máy lao xuống đất. AI sau đó di chuyển đến vị trí phục kích và đợi đối thủ. Phi công con người đã thử sử dụng các chiến thuật khác chẳng hạn như giảm tốc độ đột ngột và thay đổi hướng đi – với hy vọng AI sẽ bị mất đà trong cuộc rượt đuổi.
Cuộc thử nghiệm kết thúc khi chiếc máy bay do con người điều khiển không thể trốn tránh đối thủ AI của nó. Nhóm thực hiện thử nghiệm cho biết trong một báo cáo xuất bản ngày 27/2 trên một tạp chí chuyên ngành của Trung Quốc:“Kỷ nguyên của không chiến trong đó trí tuệ nhân tạo sẽ là vua đã bắt đầu xuất hiện”.
Dự án được dẫn dắt bởi giáo sư Huang Juntao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động lực học Trung Quốc, một viện nghiên cứu của quân đội Trung Quốc ở Tứ Xuyên - nơi chuyên phát triển và thử nghiệm các công nghệ vũ khí tương lai.
Ông Huang và các đồng nghiệp của ông cho biết trong bài báo: “Máy bay do AI điều khiển có khả năng ra quyết định tự động hoàn toàn có thể vượt trội so với con người về tốc độ phản ứng”.
Theo các nhà nghiên cứu, khi thực hiện những cú ngoặt gấp, cỗ máy cũng không cần phải tính đến những lo lắng thường thấy đối với các phi công là người thật như máu bị rút khỏi não do lực hấp dẫn quá mức hoặc lo lắng về việc bị thương.
“Với khả năng tính toán vượt trội, nó có thể dự đoán chính xác hơn diễn biến trận chiến để giành thế chủ động trong thế đối đầu,” nhóm của ông Huang viết. “Do sự tiến bộ của công nghệ tàng hình và đối phó điện tử, 25%-40% các cuộc không chiến sẽ được thực hiện ở cự ly gần trong tương lai. Nghiên cứu về chiến đấu tầm gần có giá trị đáng kể trong thực tế,” nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
Mỹ đã đi trước Trung Quốc
Nghiên cứu về công nghệ thí điểm AI đã bắt đầu khoảng 60 năm trước ở Mỹ, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp. Vào năm 2020, một hệ thống AI học sâu do công ty Heron Systems có trụ sở tại Maryland, Mỹ phát triển đã đánh bại một số phi công lái F-16 giàu kinh nghiệm nhất trong cả năm trận không chiến trên một thiết bị mô phỏng trên mặt đất.
Trong vòng chưa đầy một năm, nhóm của ông Huang đã đạt được những chiến thắng tương tự trong các mô phỏng với AI.
Vào tháng trước, quân đội Mỹ cũng cho biết rằng họ đã đưa một phi công AI vào máy bay chiến đấu F-16 thực và tiến hành nhiều nhiệm vụ thử nghiệm, bao gồm cả chiến đấu tầm gần, vào tháng 12.
Theo nhóm của ông Huang, việc đưa AI lên bầu trời khó hơn nhiều so với điều hành nó trên mặt đất. Họ cho biết dữ liệu tài nguyên máy tính hạn chế trên máy bay có thể làm suy yếu nghiêm trọng hiệu suất của phi công AI.
Môi trường thực trong thế giới mở phức tạp và khó đoán hơn so với môi trường được tạo bởi các mô hình toán học trong trình mô phỏng mặt đất và các kỹ sư phải xem xét nghiêm túc chi phí và sự nguy hiểm của một vụ tai nạn.
“Vấn đề đối đầu trên không của máy bay rất phức tạp với tính năng động cao, đặc điểm thời gian thực mạnh mẽ. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với việc hiện thực hóa quá trình ra quyết định thông minh trong đời thực”, nhóm nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh. Họ cho biết gần như không có bất kỳ báo cáo nào về việc đưa công nghệ này từ lý thuyết vào thực tế.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết họ chế tạo phi công không chiến AI với mục đích giúp quân đội dễ dàng sử dụng.
Mặc dù chính phủ Mỹ đã cấm công ty có trụ sở tại California bán chip AI mạnh nhất của họ cho khách hàng Trung Quốc, nhưng dòng Jetson sản xuất tại Trung Quốc lại không có trong danh sách. Chip Nvidia cho phép phi công AI đưa ra 1.000 quyết định mỗi giây dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến trên máy bay hoặc từ mặt đất.
Theo nhóm của ông Huang, trận không chiến “đã chứng minh tính khả thi về mặt kỹ thuật của công nghệ điều khiển AI” nhưng vẫn còn một số thách thức.
Chẳng hạn, AI vẫn cần được thử nghiệm trong quá trình đào tạo mô phỏng trên một máy tính lớn trên mặt đất. Nhóm nghiên cứu nói rằng phi công AI thế hệ tiếp theo đang được phát triển có thể học hỏi dữ kiện từ các chuyến bay thực và tự cải thiện hiệu suất của nó mà không cần hoặc có rất ít sự can thiệp của con người trên mặt đất.