Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
Thông tin trên được người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông (He Yadong) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết về tình hình kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như giải pháp mà hai nước có thể thực hiện để cải thiện và nâng cao hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại trong thời gian tới, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua.
Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông, về thương mại song phương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.
Về hợp tác đầu tư, Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào một số dự án sản xuất điện gió và quang điện, trở thành hình mẫu cho hợp tác kinh tế xanh giữa hai bên.
Người phát ngôn Hà Á Đông khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời lấy lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm tới làm cơ hội, qua đó triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy việc cải thiện và nâng cấp hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác thương mại song phương. Hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tận dụng tối đa các nền tảng như Hội chợ quốc tế nhập khẩu Trung Quốc, Hội chợ Canton Fair, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN…, để mở rộng trao đổi thương mại các mặt hàng nông sản chất lượng cao và sản phẩm công nghiệp.
Thứ hai là tạo động lực mới cho hợp tác đầu tư và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số và phát triển xanh.
Thứ ba là tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cả hai bên tăng cường hợp tác trong các khu công nghiệp và địa phương; đồng thời cùng thúc đẩy thương mại phát triển thông suốt và liên kết phát triển các ngành công nghiệp.
Thứ tư là thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực. Đẩy nhanh đàm phán Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN (ACFTA) phiên bản 3.0; tiếp tục tận dụng những lợi ích mà Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.