Trung Quốc hé lộ chi tiết dự luật an ninh quốc gia với Hong Kong
Theo Tân Hoa Xã, dự luật mà Trung Quốc đang soạn thảo sẽ cho phép thành lập một văn phòng an ninh quốc gia đối với Hong Kong nhằm thu thập thông tin tình báo và xử lí các hành vi tội phạm gây hại đến an ninh quốc gia. Cả Mỹ và nhiều nước châu Âu đều đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh nói trên.
Dự luật này cũng cho phép Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam bổ nhiệm những thẩm phán cụ thể trong các vụ án liên quan tới an ninh quốc gia. Theo Reuters, điều khoản này nhiều khả năng sẽ khiến các nhà đầu tư, nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp tại Hong Kong – một trung tâm tài chính toàn cầu - phải lo lắng.
Tân Hoa Xã cho rằng các hoạt động an ninh quốc gia sẽ bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận và tự do tụ tập, tuy nhiên không nói cụ thể hơn.
Trung Quốc cho biết dự luật này được soạn ra nhằm xử lí các hành vi li khai, phá hoại, khủng bố và thông đồng với thế lực ngoại lai. Tuy nhiên giới phê bình cho rằng luật này có thể sẽ gây tổn hại đến nhiều quyền tự do – vốn được cho là đặc tính then chốt giúp Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính thế giới.
Những nội dung chi tiết nói trên được công bố sau ba ngày họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, từ 18/6 đến 20/6.
Thời gian chính thức dự luật này có hiệu lực vẫn chưa được công bố. Nhiều nhà phân tích cho rằng dự luật sẽ được áp dụng trước cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp của Hong Kong ngày 6/9/2020.
Việc Trung Quốc muốn áp dụng luật an ninh quốc gia trực tiếp vào Hong Kong, phớt lờ các đạo luật khác của đặc khu hành chính này, diễn ra sau hai năm biểu tình bạo lực chống chính phủ. Cả chính quyền Trung Quốc đại lục lẫn Hong Kong đều cho rằng "các thế lực nước ngoài" đã kích động hành vi chống đối này tại Hong Kong.
Chính quyền Bắc Kinh đề xuất dự luật an ninh quốc gia này hồi tháng 5, ngay lập tức chính quyền Mỹ và các nước châu Âu đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng khẳng định Hong Kong không còn tự chủ với Trung Quốc đại lục như trước và do vậy không đáng được hưởng đối xử đặc biệt từ phía Mỹ. Tổng thống Donald Trump thì tuyên bố đang thu hồi qui chế thương mại đặc biệt đối với Hong Kong.
Hôm 19/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo một lần nữa khẳng định trong tương lai Washington sẽ đối xử với Hong Kong như là một thành phố Trung Quốc chứ không phải như một đặc khu hành chính có quyền tự trị. Ông Pompeo cũng cho biết Mỹ đang tìm cách xác định xem ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc làm hạn chế các quyền tự do của Hong Kong.
Cùng ngày 19/6, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu đồng ý đưa Trung Quốc ra Tòa án Công lí Quốc tế ở La Hay nếu chính quyền Bắc Kinh thực sự áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong.
Về phần mình, Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo các chính phủ nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Các quan chức Bắc Kinh và Hong Kong thời gian qua đã dành nhiều công sức để trấn an nhà đầu tư rằng luật an ninh quốc gia sẽ không ảnh hưởng tới mức độ tự chủ của Hong Kong và rằng luật này sẽ chỉ nhắm vào "những kẻ gây rối" làm tổn hại tới an ninh quốc gia.
Hong Kong cũng tuyên bố luật này sẽ không làm xói mòn niềm tin nhà đầu tư và những ai sống và làm việc theo luật sẽ không có gì phải lo lắng.
Bất chấp những tuyên bố trấn an như trên, dự luật an ninh quốc gia vẫn khiến nhiều tổ chức kinh doanh, ngoại giao, nhân quyền cảm thấy lo lắng; quan hệ Mỹ - Trung cũng vì dự luật này thêm căng thẳng. Các bộ trưởng tài chính G7 cũng đã hối thúc Bắc Kinh không nên áp dụng dự luật.