Vì sao Hong Kong lại quan trọng với Trung Quốc?
Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thông qua dự luật an ninh mới tại Hong Kong đã làm dấy lên lo ngại rằng thành phố này sẽ mất đi quyền tự trị khỏi Trung Quốc.
Quyền tự trị với đại lục Trung Quốc củng cố vị thế của Hong Kong với tư cách là trung tâm kinh doanh và tài chính toàn cầu. Đây cũng là lí do vì sao Hong Kong được Mỹ đối xử đặc biệt so với các thành phố Trung Quốc khác. Nhưng hiện qui chế đặc biệt của Hong Kong đang có nguy cơ bị Mỹ tước bỏ.
Từ trước đến nay Hong Kong vẫn là một cửa ngõ quan trọng giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Vai trò này của Hong Kong nhiều khả năng sẽ vẫn tồn tại, dù trong những năm qua đóng góp của Hong Kong tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã suy giảm.
Ông Kurt Tong, cựu tổng lãnh sự Hong Kong và Macau nói với CNBC: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ khó mà tạo dựng một bản sao khác của Hong Kong. Và tôi nghĩ sẽ hợp lí khi đẩy mạnh tầm nhìn "một quốc gia, hai chế độ"".
Dưới đây là một lí do vì sao Hong Kong lại quan trọng đối với Trung Quốc.
Thị trường vốn mở
Một trong những đặc điểm khác biệt nhất của Hong Kong so với Trung Quốc là đặc khu này nổi tiếng là nền kinh tế mở và tự do. Điều này giúp cho Hong Kong thu hút được vốn từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, các thành phố thuộc Trung Quốc đại lục phải tuân theo các biện pháp kiểm soát vốn mà chính phủ đặt ra.
Kết quả là ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của Hong Kong để huy động vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu. Trong vòng 11 năm qua, có tới 7 năm Hong Kong là thị trường hàng đầu trên thế giới cho các cuộc phát hành công khai lần đầu (IPO).
Thậm chí Hong Kong vẫn giữ vững ngôi vị này trong năm 2019, bất chấp các cuộc biểu tình nhấn chìm thành phố. Hai gã khổng lồ công nghệ Alibaba và JD.com cũng niêm yết tại Hong Kong.
Ông Charles Li, Giám đốc Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong cho biết thành phố đang dần trở thành cánh cửa cho nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận doanh nghiệp quốc tế.
Điều này đặc biệt đúng nếu có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư Trung Quốc bằng cách niêm yết tại Hong Kong, ông nói thêm.
"Hàng dài các doanh nghiệp nước ngoài sẽ muốn được niêm yết tại Hong Kong vì họ sẽ có thể bán trực tiếp cổ phiếu sang Trung Quốc", ông Li nói.
Sàn giao dịch Hong Kong, Thượng Hải và Thâm Quyết được liên kết với nhau thông qua chương trình kết nối chứng khoán. Chương trình này cho phép nhà đầu tư – thông qua sàn giao dịch họ đang tham gia – mua bán chứng khoán tại các sàn khác.
Phổ biến đồng nhân dân tệ
Vị thế trung tâm tài chính và kinh doanh của Hong Kong cũng giúp Trung Quốc thúc đẩy thế giới sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn.
Hong Kong – dù có đồng tiền riêng là đô la Hong Kong – là một trong số ít khu vực ngoài Trung Quốc nội địa mà đồng nhân dân tệ được phép giao dịch.
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Hong Kong là thị trường lớn nhất đối với các giao dịch ngoại hối có liên quan tới đồng nhân dân tệ. Khả năng thu hút nhà đầu tư muốn giao dịch đồng nhân dân tệ là lợi thế của Hong Kong so với các trung tâm tài chính lớn khác như Singapore và London.
Giá trị trung bình trong một ngày của các giao dịch đồng nhân dân tệ tại Hong Kong đã tăng từ 77,1 tỉ USD hồi tháng 4/2016 lên tới 107,6 tỉ USD vào tháng 4/2019, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc
Doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) cho biết phần lớn dòng tiền này được chuyển qua Hong Kong "nhằm tận dụng môi trường pháp lí thuận lợi và các dịch vụ chuyên nghiệp có sẵn".
Báo cáo của PIIE viết: "Một lượng lớn đầu tư của Trung Quốc không ở lại Hong Kong. Chúng hoặc là quay ngược về Trung Quốc dưới dạng lợi nhuận hoặc chuyển tới các khu vực khác trên thế giới".
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2018, Hong Kong chiếm khoảng 55,5% tổng đầu tư trực tiếp ở nước ngoài của Trung Quốc. Dù con số này thấp hơn so với tỉ trọng 10 năm trước, qui mô của các khoản đầu tư đã tăng lên đáng kể.
Tạo điều kiện cho thương mại
Vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa Trung Quốc đại lục và thế giới của Hong Kong đã suy yếu sau khi Trung Quốc mở cửa và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Nhưng tầm quan trọng của vai trò này đã nổi lên khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm, dẫn đến Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Nguyên nhân là vì hàng hóa từ Trung Quốc có thể né được mức thuế cao ngất ngưởng mà Washington áp đặt bằng cách xuất khẩu sang Hong Kong trước rồi mới tiếp tục bán sang Mỹ.
Khi chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra vào năm 2018, khoảng 8% hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ và 6% sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ được chuyển qua Hong Kong, theo theo Sở Thương mại và Công nghiệp Hong Kong.
Nhưng bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ngân hàng ING nói rằng phương pháp này có thể sẽ bị vô hiệu hóa nếu Mỹ tước qui chế đặc biệt của Hong Kong.
Tháng trước, Ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố Hong Kong không còn được tự trị khỏi Trung Quốc. Sau đó, ông Trump thông báo Mỹ sẽ tước bỏ đặc quyền thương mại của Hong Kong.