|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lí do Hong Kong trở thành tâm điểm mới trong căng thẳng Mỹ-Trung

16:35 | 29/05/2020
Chia sẻ
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lại tăng sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tuyên bố Hong Kong không còn hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc.
Vì sao Hong Kong lại trở thành tâm điểm mới trong căng thẳng Mỹ-Trung? - Ảnh 1.

Cờ của Hong Kong và Trung Quốc. Ảnh: EPA

Hôm 27/5, Mỹ đã khiến cả thế giới phải chấn động khi tuyên bố Hong Kong không còn giữ được mức tự trị cao khỏi Trung Quốc. Tình trạng ấy có thể khiến Hong Kong mất các ưu đãi thương mại và kinh tế đặc biệt mà Washington cho phép.

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo được coi là một hành động trả đũa trước việc Bắc Kinh đề xuất dự luật an ninh mới cho Hong Kong.

Những người biểu tình ở Hong Kong ủng hộ thái độ của Mỹ, với hi vọng rằng Bắc Kinh sẽ buộc phải từ bỏ cách tiếp cận cứng rắn đối với thành phố. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp lo lắng vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong có thể giảm.

South China Morning Post (SCMP) giải thích ý nghĩa, nguyên nhân Mỹ đưa ra tuyên bố trên, và lí do vì sao người biểu tình Hong Kong lại ủng hộ Mỹ. 

Vì sao Mỹ lại đánh giá về mức độ tự trị của Hong Kong?

Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992 và Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 qui định Bộ Ngoại giao Mỹ phải chứng thực trước Quốc hội ít nhất mỗi năm một lần rằng Hong Kong vẫn duy trì đủ quyền tự trị để nhận ưu đãi đặc biệt, khác với chính sách áp dụng cho Trung Quốc đại lục.

Tuyên bố của Mỹ trong tuần phản ánh đánh giá của Bộ trưởng Pompeo.

Vì sao Hong Kong lại trở thành tâm điểm mới trong căng thẳng Mỹ-Trung? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo. Ảnh: AFP

Căn cứ để ông Pompeo khẳng định Hong Kong không còn hưởng quyền tự trị

Thứ nhất: Tháng 11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khẳng định cơ quan này có quyền quyết định xem liệu luật pháp Hong Kong có phù hợp với Luật Cơ bản (vốn được coi là "hiến pháp" của Hong Kong) hay không.

Thứ hai: Hồi tháng 4, văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tuyên bố rằng cơ quan này không bị ràng buộc bởi Điều 22 của Luật Cơ bản, qui định rằng không có cơ quan của chính phủ trung ương nào có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong.

Thứ 3: Quyết định "đơn phương và tùy tiện" của Bắc Kinh nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia của Hong Kong.

Ông Pompeo đã lên án dự luật Bắc Kinh đề xuất, nói rằng dự luật này đã phớt lờ ý kiến của người Hong Kong, và sẽ chấm dứt mức độ tự trị cao mà Bắc Kinh đã đảm bảo cung cấp cho Hong Kong.

Ông Pompeo tuyên bố hàng triệu người Hong Kong đã phản đối việc Bắc Kinh vi phạm tự do và quyền lợi của họ. Nhưng Bắc Kinh đã không được lắng nghe, mà trấn áp bằng hơi cay và bắt họ.

Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong đã phản ứng thế nào?

Hôm 28/5, văn phòng đối ngoại của Bắc Kinh tại Hong Kong đã đáp trả lại "lối logic kiểu côn đồ" của Mỹ. Họ mô tả các đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt của Mỹ là một nỗ lực "cực kì hống hách", "phi lí và vô liêm sỉ" nhằm ngăn cản luật an ninh quốc gia của Hong Kong.

Văn phòng đối ngoại Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ đang cố gắng sử dụng "mô hình Hong Kong" nhằm thay đổi hệ thống xã hội của Trung Quốc đại lục.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 28/5 khẳng định dự luật mới là cần thiết để duy trì nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

Bà Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, tuyên bố các lực lượng bên ngoài "đã tăng cường việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong, thông qua các điều luật liên quan đến Hong Kong, tôn vinh một cách trắng trợn các hành vi phi pháp của những kẻ cực đoan" và do đó do đó gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia.

Vì sao những người biểu tình Hong Kong ủng hộ hành động của Mỹ?

Vì sao Hong Kong lại trở thành tâm điểm mới trong căng thẳng Mỹ-Trung? - Ảnh 3.

Đám đông tràn xuống đường cảm ơn Tổng thống Trump đã thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong. Ảnh: Winson Wong

Người biểu tình đã tích cực vận động chính quyền Tổng thống Trump và các chính trị gia Mỹ vào năm 2019 để thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong nhằm gây áp lực lên giới lãnh đạo thành phố và Bắc Kinh.

Thông qua các buổi tập hợp, chiến dịch trực tuyến, và đáng chú ý là thông qua Twitter, những người biểu tình công khai kêu gọi giới chính trị gia Mỹ hành động.

Vào 1/12/2019, sau khi Tổng thống Trump kí thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, hàng trăm người dân thành phố đã xuống đường để tỏ lòng cảm kích.

Rất nhiều người còn vẫy quốc kì Mỹ. Hành động của họ khiến Bắc Kinh nổi giận, cho rằng người Hong Kong đang mời gọi nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của thành phố.

Những người biểu tình thừa nhận Đạo luật có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Hong Kong, nhưng cho rằng đây là một công cụ hữu hiệu để gây áp lực lên chính quyền.

Họ nói rằng: "Nếu chúng tôi không duy trì một cuộc thảo luận công khai và nhận được sự ủng hộ của quốc tế, chính quyền sẽ không thay đổi suy nghĩ".

Long Giang