|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc giảm mua, giá sữa toàn cầu rớt đỉnh 2 năm rưỡi

15:21 | 26/12/2016
Chia sẻ

Lực mua từ Trung Quốc suy yếu trong khi sản lượng sữa của New Zealand cũng xuống thấp nhất 4 năm là nguyên nhân khiến giá sữa toàn cầu rớt giá trong phiên đấu giá cuối cùng của năm 2016.

Chốt phiên đấu giá ngày 20/12, chỉ số giá sữa thương mại toàn cầu (GDT), cho biết mức giá trung bình của 9 sản phẩm có nguồn gốc từ sữa New Zealand, bất ngờ giảm nhẹ 0,5% xuống 1.076 điểm sau khi chạm đỉnh 2 năm rưỡi trong phiên đấu giá trước đó.

Kết quả là, giá bán sữa trung bình trong phiên đấu giá 20/12 giảm xuống 3.656 USD/tấn. Trong đó, giá sữa nguyên kem giảm 0,8% xuống còn 3.568 USD/tấn.

Ngược lại, bơ và sữa bột có bơ tiếp tục tăng giá, với mức tăng lần lượt là 0,5% và 3,1%.

Đáng chú ý là, giá sữa bột tách kem lại không đổi so với phiên đấu giá hồi đầu tháng này ở 2.621 USD/tấn.

Trước đó, giá sữa toàn cầu đã liên tục tăng trong 4 phiên đấu giá nhờ lực mua mạnh từ Trung Quốc. Theo ông Robbie Turner – trưởng phòng tiếp thị tại công ty môi giới Rice Dairy, phía Trung Quốc đẩy mạnh mua sữa trong thời gian trước chủ yếu để lợi dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu sữa từ New Zealand và Australia được áp dụng hồi tháng 1/2016.

Mặc dù giá sữa giảm nhẹ nhưng ông Turner lại cho rằng, đây là kết quả không quá bất ngờ bởi nguồn cung sữa bột nguyên kem đang rất dồi dào. Tuy nhiên, ông cũng dự đoán, giá sữa sẽ không giảm mạnh như trước đó vì nguồn cung sữa không bị quá dư thừa vào thời điểm hiện tại.

Nói cách khác, giá sữa toàn cầu có thể sẽ tăng tiếp trong năm 2017, đặc biệt là khi sản lượng sữa của New Zealand đang xu hướng giảm. Theo số liệu của tập đoàn sữa Fonterra, sản lượng sữa tháng 11 của New Zealand – nước xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới – đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã giảm 5,5% trong tháng trước đó.

Tính đến hết tháng 11, sản lượng sữa của New Zealand đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, chủ yếu do thời tiết ẩm ướt bất lợi tại phần lớn các trang trại nuôi bò sữa. Trên thực tế, giai đoạn tháng 10, 11 thường là thời điểm sản lượng sữa của New Zealand đạt kỷ lục.

Không chỉ ở New Zealand, sản lượng sữa của khu vực Châu Đại Dương và châu Âu cũng giảm 1,6 tỷ pound so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, Hội đồng Các nước sản xuất sữa tại Mỹ (MPC) cho biết. Tương tự, khu vực Nam Mỹ và Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung sữa trong thời gian gần đây.

Ngoài yếu tố thời tiết, việc người nông dân cắt giảm chi phí sản xuất như, thức ăn bổ sung hay dịch vụ thú ý, sửa chữa, bảo dưỡng trang trại, cũng là nguyên nhân kéo giảm sản lượng sữa toàn cầu.

Thâm hụt nguồn cung sữa trong vài tháng qua đủ lớn để giải phóng hết lượng sữa thặng dư của 6 tháng đầu năm nay, MPC nhận định. Theo dự báo của MPC, nguồn cung sữa sẽ tiếp tục giảm cho tới hết niên vụ này – kết thúc vào tháng 5/2017.

Nguồn cung giảm sẽ là động lực thúc đẩy giá sữa tăng tiếp trong những tháng tới, ngân hàng Rabobank dự báo. Theo ước tính của Rabobank, tổng cung sữa năm 2016 của 7 nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới sẽ giảm 2,6 triệu tấn so với sản lượng của 6 tháng cuối năm ngoái. Xuất khẩu sữa theo đó cũng ước giảm 4,5 triệu tấn trong cùng kỳ.

Mặc dù giá sữa tăng sẽ giúp cải thiện nguồn thu nhập của người nông dân nhưng phải mất một thời gian để hoạt động sản xuất sữa phục hồi, bởi các trang trại cần phải tăng số lượng bò nuôi và tu sửa cơ sở vật chất, Rabobank cho biết.

Oanh Oanh