|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc: Công ty Evergrande nối lại hoạt động giao dịch cổ phiếu

07:44 | 26/08/2023
Chia sẻ
Evergrande Group cho biết đã thực hiện “đầy đủ” hướng dẫn nối lại hoạt động do Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong ban hành và nộp đơn xin tiếp tục giao dịch cổ phiếu vào ngày 28/8 tới.

Biểu tượng của Tập đoàn bất động sản Evergrande tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters/TTXVN).

Ngày 25/8, nhà phát triển bất động sản đang gặp nhiều khó khăn của Trung Quốc là Evergrande Group cho biết đã thực hiện “đầy đủ” hướng dẫn nối lại hoạt động do Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong ban hành và nộp đơn xin tiếp tục giao dịch cổ phiếu vào ngày 28/8 tới.

Theo hồ sơ của Evergrande, hãng kiểm toán Prism Hong Kong và Shanghai Limited đã xem xét báo cáo điều tra độc lập và kết luận rằng không có giao dịch mất cân bằng hay bất kỳ tài sản, các khoản nợ phải trả hoặc tiền gửi đáng kể nào ngoài những khoản mà Evergrande công bố.

Công ty này khẳng định đã công bố tất cả các kết quả tài chính nổi bật theo quy định niêm yết, đồng thời cho rằng các vấn đề do hãng kiểm toán trước đây là PricewaterhouseCoopers nêu ra đã được giải quyết thỏa đáng.

Từng là công ty bất động sản có doanh số cao nhất Trung Quốc, Evergrande đã trở thành ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản của nước này, vốn chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, sau khi đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản vào giữa năm 2021.

Giao dịch cổ phiếu của Evergrande đã bị đình chỉ vào ngày 21/3/2022 sau khi công ty này không thể đứng vững trở lại trong bối cảnh khủng hoảng nợ.

Gần đây, Evergrande đã tìm cách xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 của luật phá sản Mỹ, trong đó bảo vệ các công ty nước ngoài đang tiến hành tái cơ cấu khỏi các chủ nợ muốn khởi kiện hoặc ràng buộc tài sản của họ ở Mỹ. 

Minh Tuấn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.