Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá nhân dân tệ trong năm nay
Trong một bài viết trên tờ Tin tức Chứng khoán Thượng Hải, bộ phận dự báo của Trung tâm Thông tin Quốc gia (SIC) cho rằng động lực từ công nghệ mới sẽ tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng không thể ngăn cản xu hướng tăng trưởng chậm lại trên quy mô rộng.
Sản lượng công nghiệp có thể tăng trưởng 5,9% trong năm nay, giảm từ mức ước tính 6,1% trong năm 2016.
Trong khi đó, cơ quan chức năng có thể sẽ tăng vai trò của thị trường trong việc hình thành tỷ giá nhân dân tệ, tăng cường tính linh hoạt của đồng nhân dân tệ và thậm chí thực hiện việc phá giá đồng nhân dân tệ, và do đó duy trì sự ổn định của nhân dân tệ ở một mức cân bằng, SIC nhận định.
Đồng nhân dân tệ đã giảm gần 7% trong năm ngoái, mức giảm mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1994 dưới áp lực của tăng trưởng kinh tế và đồng USD mạnh.
Lần phá giá tiền gần đây nhất của Trung Quốc, với 2% vào tháng 8/2015, đã gây chấn động thị trường thế giới và được đông đảo giới thương nhân và chuyên gia kinh tế cho là một sai lầm.
Với việc nhân dân tệ vẫn đang suy yếu và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm đều đặn, các chuyên gia đã thảo luận về khả năng có một lần phá giá thứ hai, nhưng những có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét động thái này.
Dòng vốn rời bỏ Trung Quốc đang làm tăng lo ngại của chính phủ trong năm qua khi chính phủ đang nỗ lực để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng và giữ đồng tiền ổn định mà không làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Trong tháng 11, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống 3.052 tỷ USD, mức thấp nhất trong gần 6 năm.
SIC cho rằng Trung Quốc nên kiểm soát một cách phù hợp dòng vốn rút khỏi ... tiếp tục giữ kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước vào bất động sản, cổ vật và các câu lạc bộ thể thao, vào các giao dịch phi công nghệ hay không thuộc lĩnh vực hoạt động chính.
Các nền tảng cơ bản của Trung Quốc bao gồm kinh tế, chính sách tiền tệ, thặng dư thương mại và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài đều dẫn tới một thực tế là chẳng cần chính phủ phải lo quá nhiều về dự trữ ngoại hối đang nắm giữ, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc nhận định. Trung Quốc không cần phải có dự trữ vàng hay ngoại hối.
Cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc hôm thứ 7 tuần trước cho biết, từ đầu năm nay cơ quan này sẽ đẩy mạnh giám sát các hoạt động mua ngoại tệ của cá nhan và tăng hình phạt đối với hoạt động rút tiền bất hợp pháp, mặc dù hạn mức đổi tiền 50.000 USD với mỗi cá nhân sẽ không thay đổi.
Theo Reuters, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,7% trong quý III/2016 và dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm của chính phủ là 6,5-7% nhờ chủ yếu vào tăng chi tiêu chính phủ, thị trường nhà đất cải thiện và tín dụng ngân hàng ở mức kỷ lục cũng dẫn tới nợ bùng nổ.
Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn các số liệu chính thức, nhưng thừa nhận rằng sự bùng nổ hoạt động xây dựng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế tốt hơn dự báo trong năm nay.