|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Đông vạ lây vì chiến sự ở Ukraine: Đói ăn, bạo loạn có thể bùng lên từ bây giờ

17:33 | 01/05/2022
Chia sẻ
Trong hàng thế kỷ qua, bánh mì đã trở thành huyết mạch của nền văn minh nhân loại. Bạo loạn và cách mạng nổi lên âu cũng vì bánh mì nói riêng và giá lương thực nói chung. Và điều này đặc biệt đúng khi nói đến khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), ở ngay thời điểm hiện tại.

Giờ đây, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang đe dọa nguồn cung lúa mì và ngũ cốc mà các nước MENA rất cần. Tổng cộng, Nga và Ukraine chiếm hơn 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, gần 20% lượng ngô và 80% lượng dầu hướng dương.

Kể từ khi chiến sự tại Đông Âu nổ ra vào cuối tháng 2, giá hợp đồng lúa mì giao sau đã tăng hơn 30%, theo ghi nhận của CNBC.

Trước xung đột, hơn 95% tổng lượng ngũ cốc, lúa mì và ngô xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen và khoảng 50% số hàng sẽ đến các nước MENA. Tuyến đường biển quan trọng này hiện đã bị Nga phong tỏa, làm tắc nghẽn hoạt động giao thương hàng hải của Ukraine.

Nông dân Ukraine mặc áo chống đạn ra đồng gieo hạt giống. (Ảnh: Getty Images).

Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky hiện đang cố gắng xuất khẩu một số sản phẩm bằng đường sắt, nhưng biện pháp này thường gặp hạn chế về logistics. Cùng lúc, nông dân tại những vùng không bị thiệt hại về cơ sở hạ tầng đang gắng sức gieo trồng mùa vụ mới.

Mặt khác, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu. Doanh nghiệp vốn lo ngại vướng vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nên hoạt động xuất khẩu của Nga cũng đang bị gián đoạn.

 

Lạm phát và bất ổn

Rắc rối trong chuỗi cung ứng lương thực của Nga và Ukraine đang thổi bùng vấn đề lạm phát tại khu vực MENA, khiến triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi. Khoảng 500 triệu dân, đặc biệt là những người nghèo và thất nghiệp, bị liên lụy.

Trao đổi với CNBC, ông Kamal Alam - nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách Atlantic Council, bình luận: “Lạm phát và kinh tế còn hệ trọng đối với sự ổn định của MENA hơn cả tự do chính trị”.

Ông Alam đã đề cập đến vụ việc của Mohammed Bouazizi. Tuyệt vọng vì bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, người thanh niên Tunisia đã tự thiêu. Hành động phản kháng của Bouazizi đã khơi mào cho cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

“Ngay cả người bán hàng rong cũng tự thiêu vì phẫn nộ vì quyết sách kinh tế của chính quyền, chứ không phải ác cảm với Tổng thống Tunisia lúc bây giờ là Ben Ali”, ông Alam giải thích. “Trong đầu người khác, lý do đầu tiên và quan trọng nhất dẫn đến bất ổn ở Thế giới Ả Rập luôn luôn là sự trì trệ trong hoạt động kinh tế”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát tại khu vực MENA đã tăng lên 14,8% trong năm ngoái. Thời điểm đó, giá lương thực leo thang là động lực chính, chiếm khoảng 60% mức tăng lạm phát, ngoại trừ các “đại gia” dầu mỏ ở Vùng Vịnh.

Đó là trước khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Giờ đây, Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực tính đến tháng 4 năm nay đã cao hơn 34% so với một năm trước, CNBC lưu ý.

Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho hay: “Hiện chúng ta có 45 triệu người ở 38 quốc gia đang ở ngưỡng cửa đói ăn. Giả sử giá thực phẩm tăng trung bình khoảng 38 - 40%, thì ở một số nơi rất khó khăn, giá có thể tăng đến 100, 200% như ở Syria”.

Mặc dù các nước đang tìm kiếm nguồn cung lương thực thay thế, lạm phát toàn cầu bật tăng và các hạn chế xuất khẩu tiềm tàng khiến việc chuyển đổi trở nên tốn kém hơn. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nước ở MENA đồng nghĩa rằng sản xuất nông nghiệp trong khu vực rất hạn chế.

Bạo loạn, đói kém và di cư hàng loạt

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập, nhập khẩu khoảng 80% lượng lúa mì từ Ukraine và Nga. Lebanon, vốn đã rơi vào khủng hoảng nợ và lạm phát nhiều năm qua, nhập khẩu 60% lúa mì từ hai nước Liên Xô cũ. Tunisia cũng mua 80% ngũ cốc từ Nga và Ukraine.

Theo nhận định chuyên gia phát triển kinh tế Amer Alhussein, Ai Cập có thể “mất rất nhiều thứ từ cuộc chiến khi chương trình trợ cấp bánh mì của chính phủ đã tiếp cận hơn một nửa dân số và trở thành một trụ cột nhằm duy trì sự ổn định xã hội ở quốc gia đông dân nhất Thế giới Ả Rập”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, điều này có thể giải thích tại sao các đồng minh giàu có của Ai Cập ở Vùng Vịnh đã vội vã viện trợ hàng tỷ USD cho ngân hàng trung ương Ai Cập cũng như đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế nước này.

Mặc dù chính quyền Cairo có thể tiếp tục vay tiền, lãi suất đi lên ở các nền kinh tế lớn và nhu cầu đi xuống đối với trái phiếu thị trường mới nổi sẽ đè nặng lên Ai Cập. Rủi ro vỡ nợ chính phủ cũng đang tăng lên, có thể tác động nghiêm trọng đến người dân trong nước, ông Alhussein nói thêm.

Người dân Lebanon biểu tình chống chính phủ tháng 10/2019. (Ảnh: Getty Images).

Trong khi đó, Lebanon đang phải đối mặt với “nhiều cảnh báo về một nạn đói sắp xảy ra”, ông Alhussein nói. “Tình hình hiện tại rất có thể sớm phát triển thành các cuộc biểu tình và bạo loạn tương tự năm 2019, nhưng mức độ bạo lực cao hơn do mức sống ở địa phương đi xuống trầm trọng và vấn đề an ninh lương thực ngày càng tồi tệ”.

Ông Beasley của WFP cảnh báo, mùa thu năm nay chính là thời điểm cuộc chiến tại Đông Âu thực sự ảnh hưởng đến khu vực MENA và cuộc khủng hoảng này có thể kích hoạt một cuộc di cư hàng loạt.

“Có thể bạn nghĩ chúng ta đang chứng kiến một địa ngục trần gian, nhưng thực ra đây mới chỉ là khúc dạo đầu thôi”, ông Beasley nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Politico hồi tháng 3. “Nếu chúng ta phớt lờ Bắc Phi và Trung Đông, thì những gì xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ tái diễn ở châu Âu”.

Ông Taufiq Rahim, một thành viên cao cấp tại viện chính sách New America, đồng ý rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến.

“Tại thời điểm lạm phát leo thang, giá hàng hóa bùng nổ và chuỗi cung ứng tắc nghẽn, MENA có hứng chịu một cú sốc kinh tế chưa từng có trong mùa hè năm nay. Một chiếc hộp Pandora mới sẽ được mở ra, khi bất ổn kinh tế gia tăng …”, ông Rahim diễn giải.

Khả Nhân