|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trở ngại mới đối với Trung Quốc ở lục địa đen

07:22 | 15/07/2019
Chia sẻ
Thị trấn cổ Lamu trên đảo cùng tên thuộc Kenya là một di sản văn hóa thế giới có ngành đánh bắt và du lịch trị giá hàng tỷ đô la.

Nhưng nó đang đối mặt với nguy cơ đánh mất sự quyến rũ của mình sau khi Ủy ban di sản Unesco cảnh báo dự án nhiệt điện 2 tỷ USD dự kiến mọc lên ở đây sẽ đe dọa di sản.

b12_ftwf

Các nhà hoạt động môi trường ở Kenya biểu tình phản đối dự án điện than Ảnh: SCMP

Có 4 công ty Trung Quốc tham gia dự án này. Chính phủ Kenya nói dự án sẽ giúp đất nước đa dạng hoá nguồn điện.

Tuy nhiên, tương lai của dự án trở nên bấp bênh sau khi toà trọng tài môi trường quốc gia Kenya ra phán quyết vào ngày 26/6 vừa qua rằng cần thực hiện một đánh giá tác động môi trường mới. Toà này cũng thu hồi giấy phép mà cơ quan quản lý môi trường quốc gia cấp cho nhà máy điện Amu Power, AP đưa tin.

Thiếu tham vấn cộng đồng và đánh giá rủi ro môi trường là lý do toà đưa ra phán quyết có tính ràng buộc này. Unesco ủng hộ quyết định của toà án. 

Hai ngày sau khi toà ra phán quyết, Đại sứ Trung Quốc tại Kenya Wu Peng đã gặp các nhóm phản đối xây dựng nhà máy điện than vừa biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc. Ông Wu nói cần phải có cách làm khác để lắng nghe quan điểm của dư luận.

Các nhà hoạt động phản đối dự án đòi Trung Quốc phải rút lui. Trong tổng số vốn đầu tư 2 tỷ USD cho nhà máy, 1,2 tỷ USD được cung cấp bởi Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Ba công ty Trung Quốc, gồm Công ty Tư vấn và thiết kế điện lực Tứ Xuyên, China Huadian và Công ty Xây dựng điện số 3 Tứ Xuyên, cùng Công ty đầu tư Centum Kenya và Gulf Energy lập thành liên doanh Amu Power. 

Một công ty Trung Quốc khác là PowerChina được ký hợp đồng thi công nhà máy với công suất 1.050 megawatt.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi nói rằng họ đã yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc chờ quyết định của Kenya có tiếp tục dự án không.

Ở trong nước, Trung Quốc cam kết giảm dần phụ thuộc vào than, nhưng Bắc Kinh vẫn đang rót vốn cho nhiều dự án nhiệt điện chạy bằng than trên khắp thế giới. 

Cả Trung Quốc và Kenya đều đã ký kết Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016, trong đó cam kết cắt giảm phát thải khí carbon.

Theo các nhà hoạt động môi trường, Trung Quốc có thể đang tạo ra thị trường cho than của họ bằng cách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hoá thạch ở các nước khác.

Yossi Cadan, một nhà hoạt động cho tổ chức môi trường 350.org, nói rằng nhiều người đang trông chờ Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt thế giới trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi chính phủ nước này đang có sáng kiến đầy tham vọng nhằm cắt giảm phát thải trong nước. 

Ngược lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có quyết định gây tranh cãi khi từ bỏ thoả thuận Paris ngay sau khi ông lên nắm quyền.

“Dù Trung Quốc có vẻ quyết tâm đáp ứng yêu cầu của thoả thuận Paris ở trong nước, nhưng họ đang làm suy yếu nỗ lực của những người khác nhằm cắt giảm phát thải khi đầu tư vào nhiều dự án điện than trên khắp thế giới”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Cadan.

Theo ông Cadan, các dự án điện than bị hủy và dừng ở Trung Quốc đang khiến các công ty Trung Quốc trong ngành này tìm kiếm nơi khác để đầu tư, và họ được hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính Trung Quốc.

Ông Cadan cho rằng nếu Trung Quốc nghiêm túc với mục tiêu trở thành lãnh đạo thế giới trong cắt giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu, họ cũng phải hạn chế phổ biến công nghệ điện than ra bên ngoài.

Các nhà phân tích cho rằng nếu dự án điện than ở Lamu bị huỷ, những dự án điện than khác do Trung Quốc tài trợ trên khắp châu Phi cũng sẽ được dư luận để ý. Trung Quốc đang rót tiền cho 8 dự án điện than trên khắp châu Phi.

Ông Omar Elmawi, điều phối viên của tổ chức môi trường deCoalonize, là một trong những người đã gặp Đại sứ Wu 2 tuần trước. 

“Các nước châu Phi khác sẽ rút ra điều gì đó từ tình hình ở Kenya. Đã có những tổ chức tài chính đề ra chính sách hoặc cắt giảm hoặc từ chối cấp vốn cho các dự án điện than mới. Điều này sẽ tạo thêm sức ép lên Trung Quốc phải từ bỏ các dự án điện than”, ông Elmawi nói.


Bình Giang