|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Triển vọng nào cho quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới trước nhu cầu suy giảm và năng lượng tái tạo?

09:02 | 07/07/2019
Chia sẻ
Sau khi phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc trong gần hai thập kỉ qua, Indonesia - quốc gia xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới đang hướng đến các thị trường nhỏ hơn, do nhu cầu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm và lo ngại vấn đề môi trường.
1

Ảnh: Reuters

Hai mối đe dọa tiềm tàng của ngành than đá châu Á

Cho đến nay, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nhiệt điện lớn nhất thế giới, đang giảm lượng than đá mua từ bên ngoài, đại biểu tham dự hội nghị than châu Á diễn ra tại Bali hồi tháng trước nhận định. 

Nguyên nhân là năng lượng tái tạo dần giành được thị phần,nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang nỗ lực khai thác nguồn cung của chính nước này.

Mối quan tâm đến biến đổi khí hậu lên ngôi

Ở phương Tây, than đá cũng ngày càng bị "xa lánh" hơn. Tuần trước, các nhà đầu tư (hiện quản lí gần một nửa số vốn trên thế giới) đã yêu cầu trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka rằng chính phủ các nước phải nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đại biểu tham dự hội nghị than đá châu Á tại Bali, Indonesia cho biết mặc dù thời kì vinh quang của than đá đã qua, các báo về khả năng sụp đổ sắp tới của loại vật liệu này đã bị phóng đại rất nhiều.

"Than đá sẽ tiếp tục được sử dụng để cung cấp năng lượng giá rẻ. Chúng tôi đang nghiên cứu để tăng nhu cầu tại Đông Nam Á, vì vậy chúng tôi vẫn khá tự tin", ông Hendri Tan, giám đốc phụ trách marketing của PT Adaro Indonesia (một nhánh con của công ty PT Adaro Energy - nhà sản xuất than lớn thứ hai Indonesia), khẳng định.

Nhu cầu tại Trung Quốc giảm

Theo Reuters, Indonesia là nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nước này đã xuất khẩu được 429 triệu tấn, chiếm 43% tổng số 1 tỉ tấn than xuất khẩu mỗi năm trên toàn cầu, theo dữ liệu của Chính phủ Australia.

Một nhà máy nhiệt điện than có công suất khoảng 124 GW đang trong giai đoạn thi công ở Đông Nam Á và Nam Á, hai thị trường trọng điểm của Indonesia và được kì vọng bù đắp nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác Than Indonesia Pandu Sjahrir cho hay.

Khi nhu cầu Trung Quốc giảm, các nền kinh tế như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Philippines được dự doán sẽ "thế chỗ".

Theo báo cáo năng lượng thế giới của BP vào năm nay, trong giai đoạn 2014 - 2018, nhu cầu than đá của Trung Quốc đã giảm 2,4% trong khi Ấn Độ tăng 16,7%. Cùng kì, hoạt động sử dụng than đá của Việt Nam tăng 65% và Indonesia tăng 36%, nhờ đó bù đắp phần nào nhu cầu sụt giảm ở Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Nhân tố thúc đẩy Indonesia trở thành nước xuất khẩu than đá số một thế giới 

Indonesia trở thành nhà sản xuất than lớn vào thập kỉ trước nhờ khai thác và vận chuyển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu điện năng của Trung Quốc, cuối cùng vượt xa nguồn cung hàng đầu thế giới là Australia.

Khi ngành sản xuất của Trung Quốc phát triển, nhu cầu điện năng tăng lên, biến họ thành nhà nhập khẩu than đá lớn vào khoảng năm 2004. Đó là vận may cho các công ty khai thác than, đồng thời, hội thảo than đá tại Bali cũng trở thàn sự kiện chính của ngành công nghiệp than châu Á.

Trong những năm nhu cầu than đá bùng nổ, các doanh nghiệp chiến đấu để vượt mặt nhau tại hội thảo trên.

"Mọi người ném tiền vào mọi thứ", ông Alistair MacDonald thuộc công ty tư vấn SMG Consultants (người tham gia hội nghị kể từ năm 2000) cho hay. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi.

"Tại đó, ngân hàng và nhiều dịch vụ như bảo hiểm không còn tồn tại nữa", ông nói. "Đa phần là các công ty Indonesia và họ muốn được nhìn nhận là công ty năng lượng thay vì công ty khai thác than đá".

Dự báo về thời kì khó khăn phía trước, các công ty khai thác than lớn của Indonesia đang đa dạng hóa sản xuất ra nhiều khu vực địa lí và ngành công nghiệp khác, ông Sacha Winzenried, đối tác của công ty PriceWaterhouseCoopers, chia sẻ cùng Reuters.

"Họ đang nghiên cứu năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng và các yếu tố hỗ trợ nguồn cung khác như nước, nhà máy, vận chuyển và hậu cần", ông Winzenried nói.

Khó khăn về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khai thác than

Các đại biểu tham dự hội nghị than ở Bali cũng lưu ý đến những khó khăn trong hoạt động tài trợ cho doanh nghiệp, vốn lưu động và đầu tư của họ. Thậm chí, một số người tỏ ra bi quan về tính bền vững của ngành khai thác than.

Một kĩ sư khai thác ở tuổi 50, đã dành phần lớn sự nghiệp tại mỏ than của một công ty khai thác lớn và có bằng MBA, nhận thấy lựa chọn nghề nghiệp của ông bị hạn chế.

"Tôi đã dành 20 năm trong mỏ than. Tôi có thể đi đâu tiếp theo đây?" ông nói. "Tôi không khuyến khích người trẻ tuổi tham gia ngành này".

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo không được kì vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng ở các nền kinh tế châu Á mới nổi như ở những quốc gia phát triển, bởi chính phủ các nước châu Á đang nỗ lực cung cấp năng lượng giá rẻ từ than đá.

Theo đó, năng lượng tái tạo không thể cạnh tranh về qui mô hoặc giá cả với nhiệt điện.

"Ít than đá đồng nghĩa với môi trường ít bị ô nhiễm hơn", một nhà phân tích nhận xét. "Tuy nhiên nếu không muốn than đá tồn tại, chúng ta phải có phương án thay thế thiết thực".

Yên Khê