|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam

21:25 | 08/12/2019
Chia sẻ
Kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Dự báo đến 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện ích.

Tháng 5/2019, hệ thống siêu thị Auchan của Pháp... “rút chạy” khỏi Việt Nam, cho thấy những khó khăn của ngành bán lẻ toàn cầu, cũng như những biến đổi không hề dễ dự đoán của thị trường bán lẻ Việt Nam, dự kiến có quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020.

Sự hứa hẹn của thị trường bán lẻ

Năm 1998, đại siêu thị Big C đầu tiên được mở ở Đồng Nai, với tên gọi là Trung tâm thương mại Bourbon thuộc tập đoàn Casino của Pháp. Lần đầu tiên, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua sắm trong một đại siêu thị với diện tích rộng hàng chục nghìn m2 và hàng trăm nghìn mặt hàng. 

Tiếp đó, một loạt trung tâm thương mại lớn của nước ngoài mà nổi bật là Parkson xuất hiện tại Việt Nam, như một lời thách thức đối với các nhà bán lẻ Việt.

Không chỉ dừng lại ở bán lẻ trực tiếp, tháng 3/2002, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (MCC - thuộc Metro Group, Đức) khai trương trung tâm đầu tiên tại TP. HCM với số vốn ban đầu 78 triệu USD. 

Từ thời điểm đó đến khi được bán lại cho tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan, mỗi năm Metro mở ra 1 - 2 siêu thị, riêng các năm từ 2010 - 2012, Metro thậm chí còn mở mới 4 đại siêu thị mỗi năm. 

Tính đến thời điểm được bán, hệ thống Metro có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc...

Năm 2007, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), người Việt Nam đã chi gần 45 tỷ USD cho việc mua sắm và tiêu dùng, trong khi đó, 5 nhà bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam chiếm chưa tới 3% thị phần. 

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, với quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người tiêu dùng.

Triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến có quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020.

Thời điểm 2009, khi mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, số siêu thị nội đạt chuẩn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Chỉ có khoảng hơn 10% số nhân viên phục vụ trong ngành bán lẻ đã qua đào tạo bài bản. Bình quân 1 doanh nghiệp (DN) Việt Nam có 72 lao động và 24 tỷ đồng vốn nhưng các DN thương mại có quy mô nhỏ nhất: 18 lao động và 6 tỷ đồng vốn.

Khi ấy đã có khá nhiều nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, mạng lưới bán lẻ hiện đại như TTTM, siêu thị sẽ dần thay thế các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ với phương thức kinh doanh cũ kỹ và thiếu chuyên nghiệp. 

Đây cũng là cái cớ để nhiều địa phương thay thế những chợ truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm như: chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam ở Hà Nội, chợ Đồng Đăng ở Lạng Sơn và chợ ở nhiều địa phương khác bằng những TTTM hiện đại với kỳ vọng thu hút đầu tư, phát triển bán lẻ...

Còn DN trong nước lo ngại đến một lúc nào đó, khi các “đại gia” bán lẻ nước ngoài chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước, các nhà sản xuất nội địa sẽ trở thành cơ sở chuyên gia công cho các nhà phân phối nước ngoài hơn là trực tiếp sản xuất.

Những “cuộc hôn nhân” vội vã

Sau thương vụ bán Metro vào tay người Thái với giá trị 789 triệu USD năm 2015 và đổi thành Mega Market từ 2017, thị trường lại chứng kiến việc tỉ phú Thái Lan mua lại hệ thống đại siêu thị Big C, nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu. 

Tiếp đó là Parkson Retail Asia đóng cửa dần các trung tâm thương mại Parkson ở Việt Nam sau một năm kinh doanh bết bát ở khắp nơi. Theo thống kê của Reuters, tăng trưởng doanh thu trung bình 5 năm gần nhất của Parkson Retail Group là -0,98%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 11,24%.

Bên cạnh những thương vụ mua bán - sáp nhập giữa các DN nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam lại ghi nhận những cuộc “hôn nhân” của các nhà bán lẻ “người Việt”… Trong đó, Nguyễn Kim được coi là khoản đầu tư “đen đủi” nhất của Central Group Thái Lan. 

Chóng vánh nhất là cuộc tan hợp của Fivimart với Aeon Nhật Bản. Chỉ sau hơn 3 năm kết hợp làm ăn, Fivimart đã chia tay Aeon để trở thành một phần của VinCommerce vào tháng 10/2018. 

Sau khi hợp nhất, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Trong đó hệ thống Fivimart cũ đóng góp 23 siêu thị.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn Co.op Mart phân tích: “Tại các thị trường mới nổi, sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại trải qua 4 giai đoạn. 

Trong giai đoạn đầu tiên, các nhà bán lẻ nội địa thiết lập và chiếm lĩnh thị trường, các nhà phân phối nước ngoài bắt đầu thâm nhập thị trường. Giai đoạn kế tiếp chứng kiến các nhà phân phối nước ngoài tăng tốc mở rộng thị trường, trong khi các nhà bán lẻ nội địa thụ động chờ đợi và quan sát diễn biến thị trường. 

Giai đoạn 3 là lúc các nhà bán lẻ trong nước bừng tỉnh và tăng tốc mở rộng. Cuối cùng, các nhà bán lẻ nội địa chiếm lĩnh thị trường. Để cạnh tranh và thành công trong giai đoạn 3 và 4, các nhà bán lẻ nội địa phải biết khai thác và hợp lực, tạo nên cộng hưởng tất cả những thế mạnh của mình”.

Thương mại điện tử - đối thủ lớn của các nhà bán lẻ toàn cầu

Điều đáng lo ngại hơn cả là tình trạng “nhà nhà đều lỗ” trong ngành bán lẻ, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, không quá bi quan với diễn biến của thị trường, cho dù: “Tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ. 

Thương mại điện tử cũng lỗ, doanh nghiệp lớn thì lỗ vài nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ thì vài trăm tỷ đồng. Cuộc đua “đốt tiền” đang diễn ra khốc liệt nhằm tranh giành thị phần”.

Theo giải thích của ông Phạm Đình Đoàn, các cửa hàng tiện ích phải có khoảng 300 cửa hàng hay các siêu thị phải đạt số lượng từ 20 - 30 mới đạt đến điểm hòa vốn. Vì vậy, đây là cuộc chơi nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có quá nhiều nguồn lực cũng nên cân nhắc.

Nhìn rộng ra thế giới, hiện tượng tất cả đều... lỗ không chỉ xảy ra với ngành bán lẻ Việt Nam. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các kênh bán lẻ trực tiếp và bán lẻ trực tuyến. 

Do đó, DN Việt cần sử dụng nhiều kênh, như cửa hàng truyền thống; cửa hàng online, kênh thương hiệu của doanh nghiệp; mạng xã hội - kênh bán hàng và phát triển cộng đồng; sàn TMĐT; bán hàng qua ứng dụng (apps); mạng lưới công tác viên hoặc website liên kết...

Câu hỏi đặt ra là liệu tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam có quá bi đát không? Bảng xếp hạng Top 10 công ty uy tín ngành bán lẻ năm 2019 được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo Vietnamnet công bố cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp nội địa trong các lĩnh vực đa dạng ngành bán lẻ. 

Dẫn đầu Top 10 Bảng xếp hạng nhóm hàng tiêu dùng nhanh và siêu thị là Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce, tiếp theo là Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM. Có 4 đại gia nước ngoài lọt top này là Aeon, Big C, Lotte và Mega Market.

Ông Phạm Đình Đoàn, ông chủ Phú Thái, cũng tin rằng: “Sau 5 - 10 năm nữa DN Việt Nam có thể mua lại DN nước ngoài”. Điều quan trọng là phải tính toán được thời điểm tốt nhất cho các DN trong nước. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần lưu ý những cảnh báo của các chuyên gia thương mại trong nước: mất bán lẻ là mất thị trường, mất thị trường là mất sản xuất.

Thu Thùy