Triển khai sớm Basel II thúc đẩy ngân hàng hội nhập và cạnh tranh
Tuy nhiên, thực hiện và triển khai thành công Basel II là một hành trình có nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi ngân hàng phải nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình.
Lợi thế dành cho những người tiên phong
Có thể nói, triển khai Basel II không đơn giản là cuộc đua giữa các ngân hàng mà bản chất là cuộc đua vượt qua chính mình của từng định chế tài chính.
Bởi thành công với Basel II, các ngân hàng sẽ nâng cao năng lực quản lí rủi ro và đạt chuẩn mực an toàn trong hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Cho đến nay (tháng 7/2019), đã có 9 ngân hàng được NHNN phê duyệt đạt chuẩn Basel II, trong đó có Vietcombank, Techcombank và những gương mặt khác.
Đây là những ngân hàng đi đầu trong quản trị rủi ro và hiệu quả hoạt động, chất lượng tài sản, không còn dư nợ trái phiếu tại Công ty Quản lý Tài sản Của Các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC), các hệ số an toàn và thanh khoản lành mạnh, hệ số sinh lời thuộc nhóm cao nhất ngành và đang tăng trưởng rất năng động.
Song để áp dụng thành công Basel II, các ngân hàng phải có tầm nhìn chiến lược, mạnh dạn đầu tư nhân lực, vật lực (công nghệ, chi phí vận hành, thay đổi cách làm, thay đổi hệ thống...) để chuẩn hóa về quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế.
Không những thế, ngân hàng áp dụng Basel II phải có năng lực tài chính cao hơn ít nhất 20% so với ngân hàng chưa áp dụng.
Tập trung áp dụng những chuẩn mực tốt
Tại Techcombank, một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn áp dụng Basel II, đã có một quá trình chuẩn bị đáng kể để tuân thủ áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tín dụng và tập trung quản trị các rủi ro vận hành cho hệ thống, đảm bảo ngân hàng phát triển bền vững, minh bạch thời gian qua.
Ở khía cạnh an toàn hoạt động, nhìn lại ba năm chuyển đổi vừa qua, ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Techcombank, nhấn mạnh để kết quả của chiến lược dịch chuyển các trục hoạt động, với thu nhập ngoài lãi tăng gấp 3 lần sau ba năm.
(Nguồn: TCB)
Tăng thu nhập ngoài lãi giúp lợi nhuận ngân hàng bền vững hơn. Điều này cũng phản ánh ở việc Techcombank giữ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao, lên tới 14,3% vào cuối 2018 và gần 14% cuối quý I/2019 (theo Thông tư 36), trong khi các chỉ số sinh lời như ROE và ROE cũng đạt tỉ lệ cao trong khu vực.
Tỷ lệ CAR giữ liên tục khoảng 14%, so với yêu cầu của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất 8%, cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để Techcombank áp dụng Basel II trước hạn.
Đặc biệt, Techcombank cũng là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai và áp dụng thành công IFRS9 (chuẩn mực kế toán quốc tế) kể từ ngày 1/1/2018, trong bối cảnh hầu hết ngân hàng tại thị trường Việt Nam đang quản trị theo số liệu chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Đây là động thái được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, bởi nó phản ánh chính xác sức khỏe tài chính ngân hàng theo thị trường chứ không theo giá vốn như chuẩn mực kế toán Việt Nam.
"Năm 2019, Techcombank có thuận lợi từ nguồn lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư. Ngân hàng cũng có điều kiện để tập trung nhiều hơn cho việc áp dụng các chuẩn mực tốt trong hoạt động, như thực hiện Basel II, và trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chuyển sang mô hình quản trị theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế IFRS 9", ông Trịnh Bằng cho biết.