|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trễ tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng thêm 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát

08:19 | 13/09/2021
Chia sẻ
Hợp đồng tư vấn giám sát dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không hoàn thành đúng tiến độ, kéo dài làm tăng chi phí hợp đồng cần bổ sung khoảng 7,83 triệu USD.

Trong văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát cần bổ sung khoảng 7,83 triệu USD, báo Thanh niên đưa tin.

Trễ tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng thêm 7,8 triệu chi phí tư vấn giám sát - Ảnh 1.

Vận hành chạy thử đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị).

Nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít, trong khi hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD. Do vậy Ban quản lý dự án đường sắt có văn bản báo cáo Bộ GTVT.

Cuối tháng 4, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc sửa đổi Hiệp định vay bổ sung và xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay bổ sung.

Đến ngày 20/8 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã có trả lời đề nghị của Bộ Giao thông vận tải trong đó ghi rõ "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận, không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay", và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay".

Điều này có nghĩa phía Trung Quốc không đưa phần chi phí tư vấn giám sát tăng thêm vào khoản vay.

Về thông tin dự án, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), sau điều chỉnh lên tới 18.002 tỷ đồng (tăng hơn 9.000 tỷ đồng).

Dự án được khởi công tháng 10/2011 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, được kỳ vọng hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án đã nhiều lần chậm trễ.

Lần gần nhất, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án sẽ được khai thác thương mại và bàn giao cho UBND TP Hà Nội vào đầu tháng 5. Song tới nay, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn chưa thông qua kết luận nghiệm thu dự án.

Phương Trang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.