Tranh cãi giữa Facebook và Apple mở ra một cuộc đua mới giữa hai 'ông lớn' công nghệ
Cuối tuần trước, Mark Murrell, người sáng lập của Get Maine Lobster, mua một chiếc kính thực tế ảo (VR) của hãng Oculus. Dù đây là một món đồ chơi, Murrell nghĩ ngay đến công việc kinh doanh của mình. Công việc của Murrell là bán tôm hùm, ở giá trung bình 129 USD/ hộp, đến khách hàng Mỹ.
"Tôi không đợi nổi đến lúc ai cũng có một thiết bị như thế này. Giá mà tôi có thể đặt quảng cáo trên đó", Murrell trả lời The Economist.
Trong thế giới VR, Murrell hình dung có thể đưa người xem lên thuyền và ra biển bắt tôm hùm hoặc dạy họ nấu ăn. Murrell tin rằng quảng cáo kiểu này có thể khuyến khích khách hàng mua hàng nhiều hơn.
Kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2019, Murrell chủ yếu tiếp cận khách hàng mới thông qua quảng cáo trên Facebook. Murrell cũng biết Facebook chính là đơn vị sở hữu Oculus.
Là một trong những nền tảng quảng cáo lớn nhất trên thế gới, Facebook hiểu chiều sâu của thế giới số như những ngư dân hiểu biển. Thế nhưng Mark Zuckerberg không phải là người đặt ra luật chơi ở tất cả những nơi mà Facebook hoạt động.
Một trong những "mảnh đất" màu mỡ nhất của Facebook lại thuộc kiểm soát của Apple. Năm ngoái, thống kê cho thấy người dùng iOS chi tiêu nhiều hơn người dùng Android tới 5 lần.
Đầu năm nay, Apple cho biết sẽ sớm cập nhật iOS với chính sách thắt chặt việc các công ty Internet có thể tiếp cận với dữ liệu người dùng. Các ứng dụng sẽ phải xin phép người dùng bằng thông báo rõ ràng trước khi theo dõi họ. Nhiều công ty Internet sẽ bị ảnh hưởng bởi Apple, Facebook nằm đầu tiên trong danh sách.
Giải thích cho hành động của mình, Apple nói rằng hãng muốn bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng. Trong khi đó, Facebook đáp trả rằng có hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dùng quảng cáo Facebook để tiếp cận khách hàng mới.
Trong cuộc tranh cãi của Facebook và Apple, mỗi bên lại có những lý lẽ của riêng mình. Tim Cook, CEO Apple, chỉ trích những nội dung thiên lệch trên Facebook khiến mọi người "dán mắt" vào điện thoại nhiều hơn cho mục đích cuối cùng là khai thác dữ liệu.
Mark Zuckerberg trong khi đó khẳng định quảng cáo không cần đến dữ liệu cá nhân hoá và nó đã tồn tại cả một thập niên ở hình thái này. Lúc đó, hệ thống quảng cáo dành cho những công ty lớn với rất nhiều tiền. Quảng cáo trực tuyến giá rẻ dành cho các công ty nhỏ là một "món quà" mà kỷ nguyên số mang đến. Ở trường hợp của Maine Lobster, công ty đã phát triển nhờ những quảng cáo chi phí thấp mà Facebook cung cấp.
Riêng tư và bảo mật hơn không chỉ tác động tiêu cực mà còn có thể giết chết mô hình quảng cáo cá nhân hoá. Một số người dùng Apple thích quảng cáo cá nhân hoá hơn quảng cáo ngẫu nhiên có thể sẽ chấp nhận các công ty Internet theo dõi dữ liệu.
Trong khi đó, Google, bản thân cũng là một công ty quảng cáo, có thể sẽ cải thiện Android theo hướng có những tính năng riêng tư và bảo mật nhẹ nhàng hơn.
Các trang mạng xã hội có quảng cáo, từ Facebook đến Snapchat và TikTok, sẽ cạnh tranh để phát triển các công nghệ mới, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, để tạo ra quảng cáo cá nhân hoá nhưng với mức độ riêng tư cao hơn.
Cuối cùng, họ cũng có thể sẽ trả tiền để có quyền theo dõi người dùng (dù Apple đang cấm điều này). Omdia, một công ty tư vấn truyền thông, nói rằng bản cập nhật iOS sẽ khiến doanh thu quảng cáo trong ứng dụng giảm tới một phần năm ngay trong năm nay. Tuy nhiên, doanh thu có thể sẽ bật tăng trở lại vào năm 2024.
Facebook có thể đưa ra nhiều dự đoán về những động lực "đen tối" mà Apple nghĩ đến khi thực hiện những thay đổi trong iOS của mình. Dù vậy, The Economist nói rằng, Apple làm điều này là bởi Apple có thể kiểm soát cả vấn đề về phần cứng và phần mềm. Bên cạnh đó, Apple cũng thường lấy việc đề cao bảo mật và riêng tư như "lợi điểm" bán hàng của mình so với các đối thủ.
Sau tất cả, Facebook đang muốn trở thành một đối thủ trực tiếp của Apple. Một trong những cách Facebook sẽ làm là gộp Facebook, Instagram và WhatsApp thành một "siêu ứng dụng". Điều đó đồng nghĩa với việc Facebook có thể thoải mái triển khai quảng cáo cá nhân hoá hơn bởi Apple không thể "áp đặt" các quy định của mình trên "vùng đất" của Facebook.
Bên cạnh đó, Facebook cũng đang muốn dấn thân vào mảng phần cứng. Mark Zuckerberg từng chia sẻ rằng anh luôn mơ ước tạo ra một nền tảng máy tính mới "từ khi còn là một đứa trẻ". Hiện tại, công nghệ thực tế mô phỏng (AR) hoặc thực tế ảo (VR) là những gì "cha đẻ" mạng xã hội lớn nhất hành tinh đánh cược. Oculus là điểm khởi đầu, đặc biệt là đối với mảng game. Trong khi đó, mục tiêu cuối cùng là những sản phẩm kính thực tế mô phỏng.
Năm nay, Facebook có thể sẽ ra mắt một chiếc "kính thông minh" hợp tác cùng Luxottica (nhà sản xuất kính Ray-Ban). Nếu không "chết yểu" như Google Glass, Facebook sẽ khởi xướng cho một cuộc đua mới.
Cùng lúc, Apple cũng có thể đang phát triển những thiết bị đeo và kính thông minh VR. Samsung cũng không đứng ngoài cuộc. VR hay AR không phải mục tiêu duy nhất. Theo The Economist, xe và loa thông minh cũng là những sản phẩm được các "ông lớn" công nghệ nhắm tới.