|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trần chi phí lãi vay bao nhiêu là vừa?

14:41 | 09/12/2019
Chia sẻ
Cuối tháng 11 vừa qua Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nhằm bàn bạc về việc đổi Nghị định số 20/2017. Theo đó, mức trần tổng chi phí lãi vay được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN một lần nữa tiếp tục được cân nhắc sửa đổi, thay thế.
Trần chi phí lãi vay bao nhiêu là vừa?  - Ảnh 1.

Chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được khuyến khích áp dụng ở mức 28-30% tổng thu nhập trước thuế của DN

Lợi thì có lợi…

Đánh giá sơ bộ về hiệu quả của mục tiêu chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết nói chung, đại diện Bộ Tài chính cho biết, từ khi bắt đầu triển khai Nghị định 20 (đầu tháng 5/2017) đến cuối 2018 các đơn vị ngành Thuế và Hải quan đã kiểm soát được khoảng gần 12.000 DN có phát sinh giao dịch liên kết (cả DN trong nước và DN có vốn nước ngoài).

Với quy định áp trần chi phí lãi vay bằng 20% tổng lợi nhuận thuần nhằm mục tiêu chống chuyển giá, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra và thu về cho ngân sách mỗi năm gần 11.100 tỷ đồng. Trong đó truy thu, truy hoàn và phạt gần 2.100 tỷ đồng, giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng, giảm lỗ gần 9.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân là hơn 7.700 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, quá trình xây dựng Nghị định 20/2017 trước đây đã được thực hiện nghiêm túc với những nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). 

Từ khi áp dụng Nghị định 20/2017 đến nay, không thể phủ nhận rằng việc kiểm soát chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết đã có những chặt chẽ nhất định. Hoạt động lợi dụng chính sách thuế để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI hầu như không có phát sinh.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc áp dụng mức trần chi phí lãi vay chung tất cả đơn vị DN có phát sinh giao dịch liên kết đang ít nhiều gây khó khăn cho các hoạt động trung chuyển vốn vay của các DN nội địa. 

Cụ thể, các giao dịch cho vay giữa công ty mẹ - công ty con của cùng một tập đoàn sẽ bị kiểm soát chi phí lãi, các DN thuộc các ngành nghề cần nhiều vốn vay như bất động sản, chứng khoán… cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, trong gần 3 năm vừa qua, Bộ này đã tiếp nhận vài chục kiến nghị từ các tổng công ty, tập đoàn kinh tế trong nước về việc sửa đổi quy định mức trần chi phí lãi vay. 

Hầu hết các kiến nghị của DN đều cho rằng, quy định mức trần chi phí lãi vay 20% là bất hợp lý, chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tức Luật số 80/2015/QH13 – PV) và chưa xem xét toàn diện, đồng bộ với các điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam – nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, Nghị định 20 khiến khối DN tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập DN cao hơn và lợi nhuận thật của DN bị giảm đáng kể, không ít DN bị lỗ nặng.

Chẳng hạn như Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) năm 2018 đã kiến nghị với Bộ Tài chính, quy định này khiến số thuế thu nhập DN các công ty thành viên phải nộp tăng rất nhiều như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của EVN và các công ty, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Vì lẽ đó, sau cuộc họp với đại diện lãnh đạo Chính phủ, quan điểm chung của Bộ Tài chính là chắc chắn sẽ sửa đổi những quy định về khống chế mức trần chi phí lãi vay đối với các DN có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, việc đưa ra một mức trần mới hoặc quy định lại phạm vi áp dụng, đối tượng ngoại lệ, đặc thù vẫn cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng.

Tối ưu là áp dụng linh hoạt

Đại diện Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tài chính của các DN ngành bất động sản nói chung phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay từ các TCTD và huy động từ khách hàng. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu ngăn ngừa chuyển giá, việc khống chế một mức trần chi phí lãi vay hợp lý cũng có tác dụng ngăn ngừa các DN sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, gây rủi ro, dẫn đến bong bóng thị trường nhà đất.

Tuy nhiên, hiện NHNN đang áp dụng lộ trình giảm dần tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn của các NHTM và tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản. Vì thế, việc tiếp cận vốn vay của các DN bất động sản ngày càng khó khăn và lãi suất vay cũng ngày càng cao hơn. 

Do đó, mức trần chi phí lãi vay được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế cần phải được nới rộng để các DN có thể cân đối đầu tư và lợi nhuận. Theo HoREA, mức trần này nên quy định khoảng 25% tổng lợi nhuận thuần là hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, 20% là không có cơ sở thuyết phục và chưa tính đến đặc thù của Việt Nam, do DN Việt luôn phải vay nợ nhiều và thị trường trái phiếu thì chưa phát triển. Theo vị chuyên gia này, tỷ lệ lãi vay nên ở khoảng 28-30% theo khuyến nghị của OECD và hiện nhiều nước đang quy định ở mức 30%.

Đồng quan điểm, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh hiện tại nếu nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng thì DN sẽ thấy thỏa đáng và có thể thực hiện được. 

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm rằng, trong hoàn cảnh thiếu vốn hiện tại của cộng đồng DN Việt Nam thì việc khống chế chi phí lãi vay cố định ở mức 20% hay 30%, 50% đều không nên áp dụng mà nên xét đến mục đích sử dụng vốn, “miễn là chi phí thật và hợp lý, hợp lệ cũng cần phải được chấp nhận”, ông Thành nói.

Từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, bà Đinh Mai Hạnh - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều nước quy định trần khống chế lãi vay để chống chuyển giá. Chẳng hạn, Malaysia khống chế ở mức 20% thu nhập trước thuế; Nhật Bản khống chế ở mức 50%, Indonesia quy định chi phí lãi vay không được vượt quá 4 vốn chủ sở hữu của DN. Trung Quốc thậm chí có quy định riêng về chi phí lãi vay cho nhóm DN tài chính là 5 lần vốn chủ sở hữu, các DN ngành khác là 2 lần.

Theo khuyến nghị của OECD thì các quốc gia nên có lịch trình áp dụng linh hoạt các mức trần chi phí lãi vay, cân nhắc sử dụng chỉ tiêu chi phí lãi vay thuần. Bởi rất dễ dẫn tới trường hợp đánh thuế trùng ở cả công ty mẹ và công ty con đối với cùng một khoản chi phí.

Theo tính toán của Deloitte Việt Nam, khi bổ sung, sửa đổi Nghị định 20/2017, Bộ Tài chính nên cân nhắc tỷ lệ chi phí lãi vay được trừ dao động trong khoảng 10 - 30% của thu nhập trước thuế. Đồng thời có thể đưa ra các quy định áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba, áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn và cho phép DN được chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau nếu vượt mức khống chế.

Thạch Bình