|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bất cập ở Nghị định 20, có thể nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 30% với giao dịch liên kết

15:09 | 03/12/2019
Chia sẻ
Bộ Tài chính cho biết có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần từ 20% lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phù hợp với qui định tại Việt Nam.

Giao dịch liên kết của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài chiếm 85%

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo Bộ Tài chính, qua hai năm thực hiện Nghị định 20, số liệu thống kê của cơ quan thuế năm 2017 cho thấy có 11.196 đơn vị kê khai quan hệ liên kết; năm 2018 có 11.970 đơn vị, trong đó tỉ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 36%.

Trong số các doanh nghiệp kê khai quan hệ liên kết, có 6.604 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết trong năm 2017 và 7.785 đơn vị có giao dịch liên kết năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 15%.

Về kết quả thu thuế, qua thanh tra kiểm tra các đơn vị có liên doanh, liên kết từ năm 2017 đến nay, số thu đã xử lí: 11.089 tỉ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt 2.089 tỉ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỉ đồng; giảm lỗ 8.925 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân 7.732 tỉ đồng mỗi năm.

Có thể nâng mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 30% đối với giao dịch liên kết

Bộ Tài chính cũng cho biết việc áp dụng qui định khống chế chi phí lãi vay không cho trừ doanh thu từ lãi tiền gửi, tiền vay cũng có điểm bất cập đối với doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại, quản lí quĩ, kí quĩ trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.

Mặt khác, qui định xác định chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có thu nhập trước lãi vay và khấu hao âm cần được nghiên cứu cho phù hợp.

Về mức khống chế chi phí lãi vay, theo qui định tại Nghị định 20 là 20%, đây là mức trung bình trong biên độ 10% – 30% theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB).

Tuy nhiên, đối với điều kiện của Việt Nam mới áp dụng qui định này có thể tạo ra phản ứng trái chiều của các doanh nghiệp, vì vậy cần nghiên cứu để quy định tỷ lệ khống chế phù hợp.

Từ phân tích trên, Bộ Tài chính dự kiến các nội dung chính bổ sung sửa đổi Nghị định 20. Thứ nhất, nghiên cứu qui định rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Về phạm vi điều chỉnh, cần qui định rõ không bao gồm các giao dịch đã chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước và các dịch vụ công ích, giao dịch hàng hoá, dịch vụ được Thủ tướng cho phép hoặc các hoạt động vay từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức nhằm mục tiêu nâng cao phúc lợi và hỗ trợ giảm nghèo.

Về mức khống chế chi phí lãi vay, trên cơ sở đối chiếu thông lệ quốc tế và đánh giá tác động số thu, có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30%, theo đó, cho phép doanh nghiệp nâng mức chi phí được hạch toán trong kì phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Về đối tượng áp dụng, cần qui định rõ các đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng của qui định về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do thực hiện các hoạt động, dự án mục tiêu, trọng điểm của Nhà nước.

Về khống chế chi phí lãi vay, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các công ty mẹ, công ty quản lí quĩ của các tập đoàn, tổng công ty có chức năng trung chuyển vốn vay, các công ty chứng khoán thực hiện giao dịch kí quĩ, cần thiết qui định áp dụng khống chế chi phí lãi vay thuần, cụ thể chỉ khống chế đối với phần chi phí lãi vay còn lại sau khi đã trừ doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay.

Đối với các các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực đặc thù như bất động sản, các doanh nghiệp có chu kì kinh doanh thay đổi liên tục (lãi/lỗ) và các doanh nghiệp mới thành lập, cần hướng dẫn áp dụng qui định theo hướng đồng bộ, nhất quán với pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp về xác định lỗ và chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm.

Trường hợp áp dụng chi phí lãi vay thuần, cần thiết bổ sung hướng dẫn chi tiết các chỉ tiêu tính toán chi phí lãi vay thuần theo thông lệ quốc tế để hạn chế doanh nghiệp lách, né thực hiện qui định và ngăn ngừa hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lí thuế trong xác định chi phí lãi vay được trừ.

Thu Hoài

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.