Trái phiếu thắng áp đảo cổ phiếu khi Trump nhúng tay vào xung đột thế giới
Ảnh: Business Korea |
Nhu cầu mua trái phiếu tăng
Nhu cầu giao dịch trái phiếu Mỹ vào lúc này là minh chứng cho sự suy sụp của tất cả những công cụ khác trên thị trường tài chính. Giờ đây, mọi sự lo lắng đang đổ dồn về tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khi những lo ngại về ông Trump tăng lên, lượng mua trái phiếu cũng lên theo, đẩy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp nhất từ tháng 11.
Tuần này, mối lo ngại về Triều Tiên, Syria, Nga và bầu cử ở Pháp kết hợp đẩy lãi suất các trái phiếu này xuống dưới cả khoảng thấp nhất từ tháng 11 (2,3% đến 2,6%). Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức 2,23 % vào sáng thứ Sáu.
Những mối lo này rõ ràng là có thể hóa giải, tuy nhiên lại đang dấy lên những yếu tố mới trên nhiều mặt trong tuần này. Đầu tiên là giọng điệu chính trị hiếu chiến từ ông Trump, một tổng thống non kinh nghiệm, khi ông cảnh báo rằng Mỹ có thể một mình chống lại Triều Tiên và đổ lỗi cho Nga trong vụ tấn công hóa học ở Syria.
Nước Mỹ đã thể hiện sức mạnh mới: nã tên lửa vào căn cứ của Syria vào hôm thứ Năm và thả một quả bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước đến này vào Afghanistan. Lãi suất kho bạc giảm, trái ngược với giá, do các nhà đầu tư lo ngại về việc Triều Tiên thử tên lửa và phản ứng của Mỹ.
Sự “trở mặt” của ông Trump trên một số vấn đề, trong đó có sự thay đổi quan điểm về việc cáo buộc Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ. Tổng thống Mỹ cũng nói ông chưa quyết định về việc thay thế bà Janet Yellen, trong khi suốt chiến dịch tranh cử, người ta đã nghĩ thậm chí ông có thể bắt bà Yellen rời đi trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Quan điểm của ông về ngân hàng xuất nhập khẩu cũng đột ngột thay đổi.
Những sự “trở mặt” này đối với thị trường không hoàn toàn là tiêu cực nhưng lại làm dấy lên mối nghi ngờ về khả năng giữ lời hứa của ông Trump về cải cách thuế, bãi bỏ bớt quy định và kích thích kinh tế. Lãi suất kho bạc đi xuống khi các chính sách trở nên không rõ ràng.
Một chuyên gia từ Ngân hàng Montreal nhận định:”Chắc chắn các vấn đề chính trị là nguyên nhân gây ra điều này”. Tuy nhiên chuyên gia này cũng nói thêm rằng thực chất lãi suất đã giảm từ nhiều tuần trước, từ khi đảng Cộng hòa thất bại trong việc bãi bỏ Obamacare. Ông nhận định: “Chúng ta đã dửng dưng trước rủi ro vì nghĩ rằng thuế có thể được hạ bớt hoặc kinh tế tiếp tục tăng trưởng…bây giờ chúng ta phải đối mặt với sự trì hoãn của gói kích thích tài chính để mở đường cho một cuộc cải cách y tế không chắc chắn”.
Tuần này, tổng thống Trump lại nói sẽ ưu tiên vấn đề cải cách y tế trước tiên. Điều này chắc chắn gây trì hoãn cho việc cải cách thuế. Ông cũng trả lời báo chí rằng đồng USD đang quá mạnh và muốn hạ lãi suất. Từ đó có thể thấy ông đã nghĩ việc cải cách thuế có thể gia tăng thâm hụt. Các chuyên gia đều đang rất lo ngại trước sự thay đổi thất thường từ các chính sách của Trump.
Cho đến thời điểm này thị trường chứng khoán mất điểm không nhiều, tuy nhiên các chiến lược gia về trái phiếu cho rằng nếu quá tập trung vào sự đình trệ chính sách, bán tháo chứng khoán có thể xảy ra và sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư chuyển hướng sang trái phiếu.
Niềm tin vào tăng trưởng
Peter Boockvar, chuyên gia phân tích thị trường của tập đoàn Lindsey, nói: "Một trong những lý do khiến lãi suất tăng (sau bầu cử) là sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế do cải cách thuế. Và chúng ta đang lấy đi những sự lạc quan đó”. Ông Boockvar cũng nói thêm: “Chúng ta không thể tách rời các đợt tăng lãi suất của Fed trong một nền kinh tế tăng trưởng chậm, chúng ta đang tăng trưởng dưới 1% và Fed vẫn đang trong chu kỳ tăng lãi suất”.
Vấn đề tăng trưởng lại được trông chờ vào lời hứa của ông Trump khi ông nói rằng sẽ thúc đẩy kinh tế đi lên. Tuy nhiên chính sách kích thích càng mất nhiều thời gian thực hiện, tăng trưởng càng trở nên khó nắm bắt.
Marc Chandler, nhà chiến lược tiền tệ chính của ngân hàng đầu tư Brown Brothers Harriman, nói:” Nếu Mỹ tăng trưởng 3% như ông Trump hứa, trong khi châu Âu đang chỉ tăng trưởng 1%, vậy thì lý do gì mà đồng USD lại yếu đi”