|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tác động nào khi trái phiếu Mỹ bị bán tháo?

17:45 | 30/10/2018
Chia sẻ
Nhiều nước đua nhau bán trái phiếu Mỹ. Kịch bản Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ cũng đang được đặt ra. Việt Nam sẽ bị tác động thế nào khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dần lan sang chiến tranh tiền tệ?

Rủi ro khi Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ

Trung Quốc đã bán 3 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Đà bán ròng của Trung Quốc kéo dài suốt tháng nay, làm dấy lên lo ngại nước này sẽ sử dụng chiêu bài bán tháo trái phiếu Mỹ như một vũ khí để trả đũa trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.

tac dong nao khi trai phieu my bi ban thao

“Rất khó dự đoán, song với Trung Quốc, mọi khả năng đều có thể xảy ra, kể cả bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ hay phá giá nhân dân tệ”, PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, các nước khác bán tháo trái phiếu Mỹ không đáng ngại, nhưng nếu Trung Quốc - hiện nắm gần 1.200 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ - ồ ạt bán ra, thì thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Về nguyên lý, thị trường tài chính luôn phản ứng thái quá. Cho nên, chúng ta phải bình tĩnh, không thể các nước lớn điều chỉnh bao nhiêu, thì mình cũng điều chỉnh bấy nhiêu. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… thời gian qua đã điều chỉnh mạnh tỷ giá nội tệ. Lợi ích thu về từ xuất khẩu chưa thấy, nhưng các nước này đang phải đối mặt với nỗi lo lớn khi lạm phát liên tục tăng cao, đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh.

Tôi cho rằng, cách điều hành chính sách tiền tệ bình tĩnh, linh hoạt của NHNN như thời gian vừa qua là hợp lý.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Trước hết, việc Trung Quốc và các nước bán tháo trái phiếu Mỹ khiến giá trái phiếu giảm. Điều này có thể khiến nợ nước ngoài, lãi suất, lạm phát… của Mỹ tăng cao, tác động mạnh tới kinh tế Mỹ. Lãi vay và lạm phát cao sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ e ngại tiếp tục bỏ vốn vào sản xuất - kinh doanh, đồng thời thị trường chứng khoán Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

Đối với các quốc gia như Việt Nam, nếu kinh tế Mỹ suy giảm, ảnh hưởng sẽ đến từ rất nhiều chiều, từ tỷ giá, dòng vốn đến thương mại. Ảnh hưởng trực tiếp nhất sẽ là dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán, tiếp theo là tỷ giá và chi phí vay nợ nước ngoài tăng mạnh.

Tất nhiên, những nguy cơ trên vẫn đang là “giả định”, bởi khả năng Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ là không cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc Trung Quốc bán 3 tỷ USD trái phiếu Mỹ vừa qua chỉ là “đòn tâm lý”, khả năng bán tháo khó xảy ra. Tương tự, PGS-TS Đặng Ngọc Đức cũng cho biết, việc bán tháo trái phiếu Mỹ chẳng khác nào Trung Quốc tự cầm đá đập chân mình.

Các chuyên gia nhận định, dù là chủ nợ, nhưng Trung Quốc lại đang yếu thế hơn con nợ, bởi hiện 60% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là USD. Do vậy, nếu ồ ạt bán tháo trái phiếu Mỹ, thì tổng giá trị tài sản của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Việc làm suy yếu USD, Bắc Kinh cũng không được lợi, vì họ đang cần sử dụng đồng tiền này để gây ảnh hưởng tại nhiều thị trường châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh.

Chưa kể, việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ cũng có thể sẽ không mang lại hiệu quả “trả đũa” như mong muốn, bởi đa phần trái phiếu kho bạc được Mỹ phát hành cho Trung Quốc đều để đầu tư tại Trung Quốc, chứ không phải để chi tiêu tại thị trường nội địa.

Bình tĩnh với chính sách tiền tệ, tỷ giá

Hiện tại, làn sóng bán trái phiếu Mỹ của các nước trên thế giới chưa tác động trực tiếp đến Việt Nam. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chỉ khi kinh tế Mỹ suy yếu do Trung Quốc bán tháo trái phiếu, thì Việt Nam mới bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng đó trước hết đến từ thị trường chứng khoán. Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giảm điểm mạnh do ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể rút đi. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng có thể biến động nếu lãi suất và lạm phát tại Mỹ tăng mạnh.

Tuy nhiên, khả năng này là rất nhỏ.

“Tôi không nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng phá giá nhân dân tệ như công cụ tạo lợi thế cạnh tranh về thương mại. Bởi khi quyết định phá giá nội tệ, một quốc gia phải nhìn vào cả 3 yếu tố: thị trường tài chính, dòng vốn; ổn định kinh tế vĩ mô, nợ quốc gia, lạm phát; thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư… Chúng ta đừng chỉ đơn thuần nhìn vào thương mại mà cho rằng, Trung Quốc sẽ phá giá sâu nhân dân tệ”, TS. Võ Trí Thành nói.

Theo chuyên gia này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xử lý rất bình tĩnh và linh hoạt với tỷ giá. Tỷ giá từ đầu năm đến nay mới mất giá trên 2%, ít hơn nhiều nước trong khu vực.

Về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, áp lực tỷ giá trong nước là rất lớn do những căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá của NHNN không chỉ căn cứ vào mức độ mất giá của các đồng tiền trên thế giới, mà còn căn cứ vào kinh tế vĩ mô trong nước, cân đối cán cân thanh toán trong nước.

Hiện tại, cán cân thanh toán và kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tốt, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng ổn định, nên nhiều khả năng, tỷ giá trong năm nay và năm sau sẽ được NHNN giữ ổn định ở mức 2 - 3%, như năm nay.

Xem thêm

Hà Tâm