|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TPHCM muốn chọn nhà đầu tư cho các dự án giao thông cấp bách

06:43 | 14/04/2017
Chia sẻ
UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để thành phố áp dụng cơ chế chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các dự án được đề xuất gồm nhiều dự án hạ tầng giúp giảm ùn tắc giao thông, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội.
tphcm muon chon nha dau tu cho cac du an giao thong cap bach
Một phần trục đường phía đông TPHCM - Ảnh: Văn Nam

Cần nhắc lại, Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013 có nêu trong trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu … thì người có thẩm quyền địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Một số dự án được UBND thành phố liệt kê trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gồm nhiều dự án về giao thông cần thực hiện cấp bách để kéo giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố, các cửa ngõ thành phố vốn đang là những điểm thường xuyên bị ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả thành phố và vùng phụ cận.

Theo đó, một số dự án cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh của dự án đường vành đai 2; đường trên cao số 1; nâng cấp mở rộng quốc lộ 22; xây dựng cầu Cần Giờ; các đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc đường trục Bắc – Nam; dự án cầu Thủ Thiêm 4; dự án bãi đậu xe ngầm công viên Tao Đàn; dự án nạo vét khai thông rạch Ông Nhiêu; dự án trung tâm điều khiển hệ thống giao thông đô thị thông minh TPHCM …

Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nói trên có tổng vốn đầu tư khá lớn lên đến khoảng 66.220 tỉ đồng.

Đó mới chỉ là một số dự án cấp bách trong lĩnh vực giao thông, chưa nói đến nhiều dự án ở các lĩnh vực khác cũng đang “khát vốn” như lĩnh vực cấp thoát nước, văn hóa xã hội khác.

Tại một cuộc họp với các tổ chức tín dụng ngày 12-4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM sẽ đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư phát triển xã hội trong điều kiện tỉ lệ ngân sách được trung ương điều tiết lại chi cho đầu tư phát triển chỉ còn 18% nhưng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngày càng lớn.

Tính toán cho thấy một đồng vốn ngân sách bỏ ra thu hút được 14 đồng vốn từ xã hội cho nên xét chừng mực nào đó, vai trò “vốn mồi” từ ngân sách đóng vai trò quan trọng làm đối ứng thu hút nhiều dự án quan trọng tại thành phố.

Điều kiện này đòi hỏi TPHCM phải đa dạng hóa các phương thức thu hút đầu tư nhằm đáp ứng nguồn vốn cho phát triển. Chỉ riêng chương trình chỉnh trang phát triển đô thị thuộc 7 chương trình đột phá thành phố từ nay đến năm 2020 cần vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng, nên cần tính toán đa dạng phương thức huy động vốn từ xã hội, theo ông Nguyễn Thành Phong.

Theo tính toán của một lãnh đạo ngành tài chính thành phố trước đây, với việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020 sẽ khiến ngân sách thành phố hụt khoảng 50.000 tỉ đồng, tức mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỉ đồng. Trong khi đó, các dự án thuộc bảy chương trình đột phá được thành phố lên kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2016-2020 lên đến 364.180 tỉ đồng nhưng khả năng ngân sách cân đối được chỉ khoảng 150.000 tỉ đồng.

Để bù đắp khoản thiếu hụt hơn 200.000 tỉ đồng cho bảy chương trình đột phá, thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạm ứng nguồn vốn nhàn rỗi kho bạc bổ sung cho chi đầu tư phát triển, xúc tiến để được giải ngân các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, tập trung các nguồn vốn vay ODA …

Thành phố sẽ tuân thủ các nguyên tắc dự toán cho năm 2017 theo đó, thứ tự ưu tiên sẽ là: đảm bảo chi hoạt động thường xuyên theo đúng chính sách, bố trí chi trả nợ lãi các khoản vay đến hạn, trích dự phòng ngân sách và bổ sung quỹ dự trữ tài chính theo quy định, chi đầu tư phát triển. Trong trường hợp nguồn cân đối ngân sách cho chi đầu tư phát triển không đáp ứng được nhu cầu thực tế, thành phố sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn theo quy định của pháp luật để bổ sung.

Văn Nam