|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TPHCM hạn chế xây cao ốc ở trung tâm để giảm kẹt xe

07:23 | 24/01/2017
Chia sẻ
Trong buổi làm việc trực tuyến với chính quyền TPHCM chiều 23-1 về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM hạn chế xây nhà cao tầng ở khu trung tâm khi chưa giải quyết đồng bộ hạ tầng.
tphcm han che xay cao oc o trung tam de giam ket xe
Tình hình kẹt xe ở TPHCM ngày càng trầm trọng - Ảnh: Anh Quân

Chiều nay (23-1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành đã có buổi làm việc trực tuyến với chính quyền TPHCM để tìm các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt trong những ngày cận tết tình hình ùn tắc giao thông xảy ra nhiều nơi ở TPHCM.

Tại buổi làm việc, báo cáo với Chính phủ về tình hình ùn tắc giao thông của TPHCM, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết năm 2016, thành phố có 37 khu vực thường xảy ra ùn tắc, như khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Xa Lộ Hà Nội), khu vực trung tâm thành phố và các tuyến đường kết nối từ ngoại thành vào nội thành...

Ông Khoa chỉ ra 2 nguyên nhân chính gây ra ùn tắc là quỹ đất dành cho giao thông của TPHCM hiện chưa đáp ứng theo quy chuẩn. Bên cạnh đó, lượng xe tăng quá nhanh, tính đến ngày 15-12-2016, thành phố đang quản lý hơn 7,8 triệu xe (gồm 622.137 xe ô tô và 7,2 triệu xe máy), tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Khoa cho biết để giải quyết ùn tắc, thành phố đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông với tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 324.000 tỉ đồng. Để làm nhanh các dự án này, ông Khoa kiến nghị Thủ tướng cho thành phố một số cơ chế đặc thù để triển khai nhanh đối với 23 dự án cấp bách trong năm 2017.

Trong phần thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ùn tắc giao thông tại TPHCM và Hà Nội là do thiếu tầm nhìn, thiếu kiểm soát quy hoạch đã dẫn đến hệ lụy như hiện nay.

Theo ông Dũng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ùn tắc là do tốc độ tăng dân số và tăng lượng xe cao hơn tốc độ phát triển hạ tầng. Do vậy, nếu chỉ tập trung vào giải pháp đẩy nhanh tiến độ, làm nhanh các dự án thì cũng không giải quyết được. "Cùng với việc làm nhanh các dự án hạ tầng, phải có giải pháp mạnh để giảm việc tăng dân số cơ học và phương tiện. Nếu không thì khi hạ tầng phát triển người dân tiếp tục đổ về, phương tiện tăng tiếp thì chúng ta đang làm bài toán ngược", ông Dũng nói.

Còn Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thì cho rằng để giảm ùn tắc giao thông, việc xây dựng các cao ốc, khu đô thị cao tầng ở TPHCM nên chậm lại vì hạ tầng giao thông đang theo không kịp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ùn tắc giao thông ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, kèm với đó ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư.

Đối với các điểm nóng về ùn tắc như Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Thủ tướng yêu cầu cần phải có biện pháp quyết liệt hơn. Trong đó, tăng cường 100% lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong, túc trực để phân luồng thì mới giảm được ùn tắc.

Một vấn đề nữa mà người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TPHCM tính toán thực hiện là xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân. Đồng thời, TPHCM cần phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm khi chưa giải quyết đồng bộ vấn đề hạ tầng.

Đối với các kiến nghị của TPHCM về cơ chế chính sách, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu các bộ ngành liên quan sau 21 ngày phải báo cáo Thủ tướng các cơ chế, chính sách áp dụng cho thành phố.

Lê Anh