|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM tiếp tục kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% hoặc tăng lên 23 - 25%

17:44 | 18/01/2022
Chia sẻ
Trong giai đoạn 2023-2026, TP HCM trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên 23 - 25%.

Mới đây, UBND TP HCM ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025, theo Pháp luật TP HCM.

Về nguồn lực, UBND TP HCM cho biết sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2023 - 2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên 23 - 25%.

Để thực hiện việc này, UBND TP HCM giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM phối hợp với Sở Tài chính tính toán lại đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.

TP HCM tiếp tục kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên 23 - 25% - Ảnh 1.

TP HCM tiếp tục kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên 23 - 25%. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách các khoản thu phân chia giữa TP HCM với Trung ương là 18%. 

Vào hồi tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, trong đó đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết để lại ngân sách cho TP HCM lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỷ đồng. Song mức tăng này vẫn thấp hơn mức mà thành phố đề xuất là 23%.

Năm 2021, TP HCM thu ngân sách vượt mức dự toán, đạt hơn 381.531 tỷ đồng. Trong đó thu thu nội địa đạt trên 263.823 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 117.600 tỷ đồng. 

Năm 2022, Trung ương giao tổng thu ngân sách cho TP HCM hơn 386.568 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng dự toán thu ngân sách cả nước.

Theo Thanh niên, chương trình cũng xác định, giai đoạn một từ nay đến cuối năm 2022, thành phố tập trung phục hồi hoạt động sản xuất, ổn định đời sống người dân, các giải pháp gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước. 

Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến 2025, thành phố sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy các thế mạnh để phát triển.

Còn về giải pháp trước mắt, TP HCM tập trung sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gói hỗ trợ từ đề án giải pháp tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch hiệu quả; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về miễn giảm thuế phí, hỗ trợ lãi suất; tăng đầu tư công cho hạ tầng giao thông, hạ tầng số.

Đồng thời, rà soát, lập danh mục toàn bộ cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng để phân loại nhà, đất thuộc phạm vi phải sắp xếp lại nhằm khai thác nguồn thu từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư…

Phương Trang