TP HCM nên thực dụng hơn thay vì mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS Cấn Văn Lực cho rằng thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) vốn đã là trung tâm tài chính của Việt Nam, nhưng để được công nhận chính thức thì Thành phố cần phải thu hút các định chế tài chính đến và đặt trụ sở.
"Hiện khối ngân hàng và bảo hiểm cũng mới chỉ 1/3 số đơn vị đặt trụ sở tại TP HCM", thông tin trên được TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2019 với chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" diễn ra mới đây.
Đường Nguyễn Công Trứ, TP HCM là nơi nhiều ngân hàng, hãng bảo hiểm, các công ty chứng khoán đặt trụ sở, chi nhánh.
Ông Lực đã đưa ra 3 điều vô cùng quan trọng mà Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cần phải làm được nếu muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế (IFC).
Thứ nhất, tính chuyển đổi của đồng nội tệ phải được cải thiện. Đồng tiền Việt Nam phải tự do chuyển đổi trong nước và cả khu vực, điều này muốn làm được thì phải liên quan đến cả thể chế, chính trị, đặc biệt là liên quan đến Ngân hàng Trung ương.
Thứ hai, dòng vốn phải được tự do luân chuyển. Ông lực cho rằng Việt Nam chưa làm được điều này, "tiền vào tiền ra thông suốt thì nhà đầu tư mới dám đưa tiền vào, và để làm được điều này chúng ta cần có quyết tâm chính trị cực kì lớn".
Thứ ba, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phải đảm bảo. Ông Lực nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc có được những nhân sự chất lượng cao trong ngành ngân hàng và công nghệ thông tin.
Xác định những thử thách cốt lõi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng: "Từ đây đến năm 2025 hãy khoan nói đến chuyện thành IFC, TP HCM phải dứt khoát trở thành trung tâm tài chính đúng nghĩa của Việt Nam trước đã."
Ông Lực cũng nhận định mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mảng cơ sở dữ liệu của Việt Nam vẫn còn yếu, "mà khi muốn áp dụng tài chính số, ngân hàng số thì phải có cở sở dữ liệu lớn để làm".
Theo đó, ông Lực đề xuất TP HCM trước mắt có thể tập trung trở thành một trung tâm fintech. "Tôi cho rằng TP HCM hoàn toàn có thể làm được, nó không phụ thuộc vào thể chế. Ta đang có năng lực, có công nghệ, có khách hàng và tốc độ phát triển fintech của chúng ra cũng rất nhanh, đây sẽ là bước đệm quan trọng để phát triển thêm".
Phát triển fintech cũng là một con đường mà TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lí Fulbright, đồng tình có thể đưa TP HCM trở thành một IFC. "Chúng ta không thể đi theo lối mòn truyền thống", ông nói.
Nhà sáng lập Công ty Đầu tư Blue HK Investments, Andrew Vallis cho biết ông tin tưởng vào khái niệm "nếu xây dựng cái gì đó thì phải dựa vào lợi thế riêng, phải tìm xem TP HCM có sức mạnh chính là gì?"
Ông Vallis tin rằng Việt Nam có ưu thế cạnh tranh lớn trong mảng nông nghiệp. Theo đó, các sản phẩm hàng hóa trong dịch vụ tài chính sẽ dễ triển khai tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh đây là sẽ cuộc hành trình dài hơi cần kế hoạch rõ ràng, chứ không phải chuyện trong 3 - 4 năm.
Đại diện từ Blue HK Investments cũng nêu thêm hai thế mạnh cạnh tranh của TP HCM là lợi thế về chi phí và đức tính nỗ lực trong công việc của người Việt Nam.
Ông Patrick Tay, Giám đốc Tư vấn Kinh tế và Chính sách PwC Malaysia, cho rằng mỗi IFC đều có vai trò rất chuyên môn. Do đó, TP HCM không nên cố gắng làm những chuyện không hợp lí, không phù hợp tại Việt Nam.
Cụ thể, ông Tay nhận định rằng TP HCM phải hướng đến phục vụ nhu cầu cụ thể riêng của Việt Nam trước tiên, chẳng hạn như nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng hay nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình.
"Hãy tập trung vào mảng tài chính quan trọng nhất đối với người địa phương, rồi từ đó xây dựng các dịch vụ hỗ trợ bao quanh. Đó là cách phát triển thành một IFC", Ông Patrick Tay nói.
Chủ tịch Công ty quản lí quĩ Dragon Capital, ông Dominic Scriven thì tin rằng TP HCM đang đứng trước một cơ hội lớn là "tài chính xanh". Thuật ngữ này chỉ sự kết hợp giữa tài chính và những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là chống biến đổi khí hậu. "Hiện chưa có ai trên toàn cầu đi xa trong mảng này", ông nói.