|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Vũ Thành Tự Anh: Ngân sách được giữ lại ngày càng giảm khiến vị thế của TP HCM đang đi xuống

14:13 | 18/10/2019
Chia sẻ
Nhận định được đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ ngân sách được giữ lại của TP HCM đang ngày càng giảm, làm giảm động lực phát triển của địa phương.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2019 với chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lí Fulbright, Đại học Fulbright đưa ra nhận định rằng, dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường trở thành trung tâm tài chính của thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) sẽ không dễ dàng.

Hiện nay, Châu Á ngày càng nổi lên và khẳng định vị thế kinh tế - tài chính trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao của các quốc gia.

TP HCM có định hướng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Theo đó, không gian đô thị của thành phố hướng đến việc tập hợp các dịch vụ, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, theo chuẩn mực quốc tế.

Về tiềm năng, TP HCM có vị thế kinh tế nổi trội và cũng là trung tâm giao dịch tài chính của Việt Nam.

vi the kinh te tai chinh

(Nguồn: Trình bày của TS Vũ Thành Tự Anh)

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, ThS Phạm Xuân Hòe cho biết hiệu suất của nền kinh tế là một yếu tố then chốt đối với sự thành công của các trung tâm tài chính. Đồng thời, ông cũng nêu cao tầm quan trọng vị trí địa lí trung tâm của TP HCM trong khu vực.

Tuy nhiên, không như làn sóng chuyển dịch trung tâm tài chính trước đây, TS Tự Anh nhận định rằng TP HCM cần phải đi theo những con đường mới, không thể đi theo lối mòn truyền thống. Thành phố có thể phát triển fintech cùng với đó hướng đến trở thành trung tâm giao dịch hàng hóa, nhờ vị trí chiến lược tại vùng lúa gạo, nông sản của cả nước.

Giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM chiếm gần 94% vốn hóa cổ phiếu niêm yết cả nước. Nhưng nếu so sánh qui mô thị trường chứng khoán TP HCM với các thị trường quốc tế lân cận khác thì vẫn còn khiêm tốn.

vi thi ttck tp hcm voi khu vuc

(Nguồn: Trình bày của TS Vũ Thành Tự Anh)

Thêm vào đó, TS Tự Anh cho biết với qui mô tương đối nhỏ nhưng Việt Nam lại đang tách hai thị trường giao dịch cổ phiếu (tại HOSE) và chứng khoán phái sinh (tại HNX) ra khỏi nhau làm giảm sự hiệu quả của thị trường tài chính.

Tỉ lệ ngân sách được giữ lại của TP HCM cũng đang ngày càng giảm. Điều này làm giảm động lực phát triển của địa phương và thực tế cho thấy vai trò vị thế của các đô thị lớn như TP HCM đang đi xuống.

TS Tự Anh cho rằng phía cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc cải thiện các luật liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức Tín dụng, Luật Chứng khoán nhằm thúc đẩy hiệu quả của thị trường tiền tệ, thị trường vốn đi theo hướng chuẩn mực quốc tế.

Các chính sách từ các Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần tương thích với việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Từ đó, môi trường kinh doanh có thể được cải thiện.

TP HCM cũng cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ.

Cùng với đó, TS Tự Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc qui hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông. Theo đó, TP HCM có thể lấy khu vực Thủ Thiêm làm trung tâm rồi tăng cường liên kết nội vùng và quốc tế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng công nghệ cũng cần triển khai song song. 

ThS Phạm Xuân Hòe bày tỏ quan điểm cho rằng hạ tầng thị trường tài chính như sàn giao dịch, hệ thống thông tin, trung tâm thanh toán bù trừ và lưu kí,… cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và liên kết với hạ tầng của các trung tâm tài chính quốc tế khác. Đồng thời, thị trường tài chính TP HCM nói riêng và cả Việt Nam nói chung cũng cần phát triển những sản phẩm đa dạng.

Thừa Vân