Muốn trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP HCM cần sự đột phá từ ba lĩnh vực
Muốn hướng tới quốc tế, trước hết cần là trung tâm tài chính quốc gia
Tại buổi công bố Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2019 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM phối hợp các sở ngành và Trường ĐH Fulbright Việt Nam tổ chức ngày 8/10, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Fulbright Việt Nam, cho rằng trước khi phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì TP HCM cần phải trở thành trung tâm tài chính quốc gia.
"Chính phủ phải có chính sách và cam kết mạnh mẽ về việc này và TP HCM chỉ là nơi thực hiện. Nhìn vào các điều kiện tự nhiên và kinh tế thì thành phố là trung tâm đầu mối lớn của cả vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước nên có điều kiện để trở thành trung tâm tài chính lớn", TS Tự Anh cho hay.
Cụ thể, theo vị này phân tích, TP HCM là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư… là cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí rất tốt để trở thành trung tâm tài chính quốc gia. Điều này được chứng minh khi nhìn vào qui mô, vị thế, vị trí của TP HCM…, có thể thấy có tới 45% GDP đến từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu cộng với nền kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì qui mô càng lớn hơn.
Liên quan đến vấn đề ngân sách, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, FDI… tất cả những chỉ tiêu này thì TP HCM và vùng Đông - Tây Nam bộ chiếm trên 50% GDP của cả nước. Điều này khiến TP HCM trở thành điểm giao thoa giữa Đông và Tây Nam bộ, trở thành trung tâm và đầu mối để Trung ương thực hiện các chính sách phát triển quốc gia của mình.
Ngoài ra, TP HCM và vùng Đông - Tây Nam bộ có tốc độ phát triển cao, đây chính là yếu tố cơ bản để hậu thuẫn cho việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, bởi nếu không có nhu cầu thị trường lớn, vị trí địa lí không kết nối với quốc tế thì khó có thể trở thành trung tâm tài chính.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin về Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2019. Ảnh: Như Huỳnh.
Cần đột phá từ ba lĩnh vực cơ bản
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Tự Anh thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu này là sự cạnh tranh gay gắt bởi hầu như quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính trên thế giới. Do đó muốn thành công cần có sự đột phá.
Những đột phá này đến từ ba lĩnh vực cơ bản, điều cần đầu tiên là chính sách quốc gia phải giúp thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc gia, tạo nền tảng, khuôn khổ pháp luật và thể chế.
Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, tầm nhìn và chiến lược trong cách phát triển thành phố trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, đầu tư và trong đó nhấn mạnh đến lĩnh vực tài chính. Đồng thời giải quyết các tiền đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở, hạ tầng tài chính, nguồn lực con người, thể chế, môi trường, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư…
Và thứ ba là phải có đột phá trong cạnh tranh quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho rằng: "Mục tiêu của thành phố không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn thu hẹp và tiến tới bắt kịp các thành phố thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ ngày nay, một cách để đạt được khát vọng này là thành phố bắt nhịp với xu thế của thời đại, biến mình trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Theo đó, Diễn đàn Kinh tế thành phố 2019 với chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" sẽ là nơi tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố nói chung, các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của thành phố nói riêng.
Diễn đàn gồm các chủ đề chính như TP HCM hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng – mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế.... sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10 tại TP HCM.
"Nếu Trung ương có quyết sách chọn TP HCM để phát triển là trung tâm tài chính của quốc gia và sau đó tiến tới khu vực thì có thể trong vòng 15-20 năm sẽ hoàn thành. Nhưng nếu không có quyết sách đó thì thời gian bao lâu sẽ không ai trả lời được.
Thời gian để thực hiện mục tiêu này là do chúng ta quyết định chứ không thuần túy phụ thuộc vào những điều kiện khách quan", TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh khi được hỏi bao giờ Việt Nam có trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/