|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mẫu số chung xây Trung tâm tài chính khu vực

07:36 | 27/07/2019
Chia sẻ
Quyết tâm xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu lên mới đây nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân Thành phố.

Ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ, mỗi mô hình trung tâm tài chính quốc tế có một đặc điểm riêng, nhưng cũng có mẫu số chung mà TP.HCM cần hướng tới để thực thi khát vọng phát triển.

Trông người...

Trung tâm tài chính London: Gần đây, London giảm bớt sức hút, mất đi một lượng công ty, tổ chức và việc làm trong ngành tài chính do ảnh hưởng từ Brexit, nhưng thực tế chỉ sụt 1 bậc từ vị trí thứ 1 xuống thứ 2 về sức hấp dẫn vốn kể từ năm 2018 đến nay.

Theo báo cáo của TheCityUK, ở Anh có hơn 2,2 triệu người đang làm việc trong ngành tài chính dịch vụ, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động và tính riêng ở London đã chiếm khoảng một phần ba số lượng này. Khoảng 250 ngân hàng trên toàn thế giới đã đặt trụ sở ở London, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác.

Sở Giao dịch chứng khoán London chiếm vị trí đầu bảng trong giá trị thị trường tại châu Âu và đứng thứ 3 trên toàn thế giới (sau NYSE và NASDAQ) về giá trị vốn hóa. Ngoài ra, theo điều tra của tổ chức Heritage Foundation, Anh hiện đang được xếp hạng thứ 12 về mức độ tự do kinh tế.

Trung tâm tài chính London có những ưu thế: Luật pháp nước Anh rất coi trọng việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông và nhà đầu tư, xếp hạng 4 thế giới theo World Bank. Bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, Anh hiện đứng thứ 19 trên thế giới, trong khi Đức ở vị trí 29 và Pháp ở vị trí thứ 79.

Hệ thống giáo dục đại học ở Anh về kinh tế và tài chính luôn vượt trội và nổi bật hơn hẳn các nước ở châu Âu. Mức thuế doanh nghiệp thấp và các quy định lao động linh hoạt hơn so với các nước châu Âu khác. 

Nước Anh đã giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 20% trong năm 2015 và đang trên đà giảm xuống còn 17% vào năm 2020 (đây là mức thuế thấp nhất trong các nước thành viên G7 cũng như G20).

Trung tâm tài chính Singapore: Theo báo cáo xếp hạng GFCI 25 năm 2019, Singapore là trung tâm tài chính lớn thứ 4 sau Hồng Kông, London, New York và luôn duy trì thứ hạng này trong vòng 5 năm trở lại đây.  

Singapore là một thị trường nổi bật ở các tiêu chí như mức độ thông thoáng của môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng…

Ngoài ra, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore khá thấp, khoảng 17%, trong khi ở Pháp là 30%, Mỹ là 35% và trung bình là 22,8% ở 35 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đối với ngành dịch vụ tài chính, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore MAS (Monetary Authority of Singapore) đóng vai trò vừa là ngân hàng trung ương, vừa là cơ quan quản lý ngành tài chính, phát triển Singapore thành trung tâm tài chính quốc tế năng động.

Singapore từ lâu đã được công nhận là một trong những nơi tốt nhất để kinh doanh khi chỉ mất khoảng 6 ngày thành lập một doanh nghiệp với chi phí khởi nghiệp thấp. 

Quy định như cấp giấy phép kinh doanh, thuế, các quy định về tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư của Singapore thân thiện nhất thế giới. Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao về mức độ minh bạch và độ tin cậy trong các vấn đề về kinh doanh, kinh tế và pháp lý.

Các tổ chức tài chính khi hoạt động ở Singapore được hưởng các quyền lợi ưu tiên từ các hiệp định thương mại tự do rộng lớn cùng hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTAs). Chính phủ cũng thực hiện ưu đãi thuế điển hình như chính sách khuyến khích ngành tài chính hay chính sách phát triển kinh doanh bảo hiểm.

Một điểm mạnh khác của Singapore chính là nguồn nhân lực quốc tế với tay nghề cao. Cơ quan quản lý tiền tệ luôn duy trì các chính sách hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong việc xây dựng hệ thống đào tạo các chuyên gia tài chính cũng như lãnh đạo có chuyên môn cao.

Thành phố tài chính Casablanca (CFC): Casablanca là trung tâm đô thị lớn nhất của Morocco, nơi có có vị trí địa lý và chính trị quan trọng ở khu vực Bắc Phi.

Nhận thức được các lợi thế quan trọng về vị trí địa lý cũng như tiềm năng phát triển, vào năm 2010, Morocco đã triển khai dự án xây dựng thành phố tài chính Casablanca với vai trò như một đặc khu tài chính của Morocco.

Chính quyền thành phố tài chính Casablanca (CFCA) là một dự án hợp tác công - tư nhân (PPP), bao gồm các đại diện của Ngân hàng Trung ương Bank Al Maghrib, Sở Giao dịch chứng khoán Casablanca và La Caisse de Dépôt et de Gestion (CDG) có trách nhiệm quản lý chung và thúc đẩy sự phát triển của CFC.

Các hoạt động chính gồm xây dựng chiến lược phát triển của CFC, thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư quốc tế đến CFC, tiến hành các cải cách để hoàn thiện môi trường kinh doanh, cung cấp các hỗ trợ và tư vấn cho các định chế hoạt động tại CFC. 

Các hoạt động này của CFCA được giám sát định kỳ bởi một uỷ ban thường trực điều hành bởi Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đại diện cấp cao của các cơ quan tài chính chủ chốt của quốc gia.

Các doanh nghiệp khi đặt trụ sở tại CFC sẽ được hưởng một số ưu đãi đặc biệt như: ưu đãi thuế, nới lỏng các quy định về xuất nhập khẩu và tiền tệ và đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Thuế thu nhập cho các doanh nghiệp ở Morocco là 30%, sẽ được giảm xuống thành 0% trong 5 năm đầu tiên khi công ty mở trụ sở tại CFC và mức thuế sau đó sẽ được duy trì ở mức 8,75%. Nhân viên của các công ty trong CFC sẽ được giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 20% trong thời gian tối đa là 5 năm so với mức thuế 38% ở các nơi còn lại ở Morocco.

... Ngẫm đến ta

Cho dù lựa chọn mô hình nào để phát triển, các yếu tố quan trọng để hình thành trung tâm tài chính vẫn phải gồm: môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp với chi phí thấp, pháp luật cân bằng, nền chính trị ổn định, chất lượng cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng tài chính và hệ thống công nghệ tiên tiến.

Cùng với đó, yêu cầu về mức độ mở cửa đối với lao động nước ngoài, trình độ chuyên môn của đội ngũ lao động địa phương cũng là những yếu tố quan trọng. 

Từ kinh nghiệm của các quốc gia xây dựng thành công trung tâm tài chính cho thấy, điểm chung là chính quyền các nước đã ban hành cơ chế thông thoáng, trao quyền tự chủ cho các thành phố tài chính trong việc thiết kế, kiến tạo chính sách cạnh tranh.

Tại TP.HCM, việc xây dựng mô hình thành phố tài chính với một cơ quan quản lý hành chính chuyên biệt là mô hình đáng xem xét. 

Cơ quan này cần có chức năng xây dựng các chiến lược phát triển tổng thể trung tâm tài chính Thành phố, gồm đại diện các bên liên quan. Để triển khai được mô hình này, việc thiết lập cơ chế và đổi mới hệ thống quản lý cho phù hợp là những nội dung cốt lõi để nâng cao động lực phát triển cho Thành phố.

Điểm đáng lưu ý là sự phát triển của thành phố tài chính cần được gắn với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK). 

Với vai trò là hạt nhân cốt lõi của thị trường tài chính, xây dựng TTCK Việt Nam phát triển sẽ là lợi thế cho việc hình thành trung tâm tài chính, tăng sức hút đối với các định chế tài chính nước ngoài, từ đó mở ra nhiều cơ hội thu hút các công ty niêm yết, huy động vốn.

Tháng 7/2019, TTCK Việt Nam bước sang tuổi 20, thị trường được khởi đầu bằng việc mở cửa hoạt động của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nay là HOSE. 

Tuy không thể so sánh với các TTCK bậc cao toàn cầu như tại Mỹ, Nhật, Thượng Hải, Hồng Kông… với quy mô TTCK hàng nghìn tỷ USD, nhưng TTCK Việt Nam cũng chạm đến quy mô 200 tỷ USD, là con số đáng kể sau 19 năm đầu tiên vận hành.

Tuổi 20, TTCK cần thêm các chính sách phát triển mạnh mẽ,  đồng thời với việc đẩy nhanh việc đưa doanh nghiệp lớn lên sàn, để sớm trở thành trụ cột cho khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính khu vực tại Việt Nam.

Kỳ tới: Trung tâm tài chính: Góp sức định hình con đường


Thu Hương