Trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là chìa khóa để đưa kinh tế TP HCM bứt phá
Thách thức của TP HCM khi trở thành trung tâm tài chính của khu vực
Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2019 (HEF 2019), với chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" sáng 18/10, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM nhận định: "Việc hình thành một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu".
Theo đó, ngay từ năm 2002, TP HCM đã có khát vọng biến mình trở thành Trung tâm tài chính của khu vực, từng bước hội nhập toàn cầu và thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.
Tuy nhiên theo ông Phong việc này là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp, bởi trong số 400.000 doanh nghiệp đăng kí hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.
Không những thế, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.
Ngoài ra tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP HCM, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ông Phong cho hay.
Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lí Fulbright, cho biết Trung Quốc đã nổi lên như một quốc gia có 7 trung tâm tài chính khu vực và quốc tế một phần nhờ qui mô kinh tế cũng như tận dụng được sự phát triển các thị trường ngách.
Trong khi đó, TP HCM mặc dù có một vị thế kinh tế nổi trội để có thể trở thành một trung tâm tài chính nhưng hiện vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính khu vực năm 2019, bởi qui mô vẫn rất nhỏ so với các trung tâm đã hình thành tại nhiều nước trong khu vực.
Ngoài ra tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP HCM ngày càng giảm.
Chưa kể, TP HCM đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước...
Đây đều là những vấn đề cần phải tháo gỡ nếu muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, ông Tự Anh nói thêm.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2019 với chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" diễn ra ngày 18/10. Ảnh: NH.
Những yếu tố hỗ trợ
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, với mục tiêu này thành phố cần thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không theo lối mòn truyền thống.
"TP HCM phải đi theo những con đường mới, tìm ra những ngách để bức phá. Trong đó, có hai gợi ý, một là Fintech, hai là TP HCM là giao điểm giữa Đông và Tây Nam bộ nên giao dịch về hàng hóa cũng là một ngách để phát triển.
Nếu tận dụng tốt hai ưu thế này, TP HCM có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới", ông Tự Anh chia sẻ.
Đồng thời TP HCM cần được sự hậu thuẫn tối đa từ Trung ương, Chính phủ. Tức là Trung ương phải tạo điều kiện về cơ chế chính sách đặc thù riêng cho TP HCM, mở ra "thể chế" mới cho thành phố phát triển.
TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng việc làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế, khát vọng…thành hiện thực đang là bài toán lớn về phát triển, không chỉ đối với TP HCM mà còn là vấn đề lớn của cả nước.
"Với chủ trương xây dựng Đề án "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" là việc làm không mới, nhưng rất cần thiết. Đây không phải vấn đề riêng của TP HCM, mà chính là một bộ phận trong chiến lược kinh tế của quốc gia, với định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045", TS Trần Du Lịch nói.
Theo đó, để xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, điều đầu tiên phải là chủ trương của Trung ương, được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và cần xem đây là Chiến lược kinh tế của quốc gia.
Thứ hai, TP HCM cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tư duy "kinh tế Vùng", khẳng định là trung tâm thương mại quốc tế, đi đầu trong chính sách khởi nghiệp, sáng tạo và phát huy vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế.
Và thứ ba, TP cần xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm tài chính trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính. Chính quyền thành phố phải thể hiện vai trò "bà đỡ" cho các nhà đầu tư, xây dựng hệ sinh thái giúp trung tâm tài chính có thể vận hành tốt.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh khi TP HCM tiến lên thì các đô thị khác cũng tiến lên. Do vậy, thành phố xác định mục tiêu trên là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới.
"Một môi trường đầu tư tốt đối với các tổ chức tài chính, định chế tài chính không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, mà quan trọng hơn, đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền thành phố.
Thành phố không đặt tham vọng trở thành trung tâm tài chính lớn nhất khu vực, nhưng thành phố mong muốn là bạn để kết nối tất cả trung tâm tài chính trên thế giới...", ông Nguyễn Thành Phong cho hay.