TP HCM mở lại du lịch liên tỉnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc rục rịch kế hoạch đón khách quốc tế
TP HCM lên kế hoạch mở du lịch liên tỉnh
Chiều 16/10, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phục hồi du lịch TPHCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.
Đề cập tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP, bà Phan Thị Thắng cho biết du lịch TP HCM được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh.
Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Do vậy, việc xây dựng và triển khai hiểu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch TP là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
“TP HCM là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước, trong đó, lực lượng lao động ngành du lịch TP theo thống kê sơ bộ tỷ lệ đã tiêm đủ liều đạt 80%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo hoạt động”, Phó Chủ tịch TP HCM cho biết.
Hội nghị đề cập Kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 được triển khai thực hiện theo ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ ngày 1 - 31/10), mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh: khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại TP HCM có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn TP. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.
Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 - 31/12), đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.
Giai đoạn 3 (trong năm 2022), khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.
Phú Quốc tăng cường phủ vắc xin, triển khai đón khách quốc tế
Theo kế hoạch dự kiến về mở cửa đón khách quốc tế tại Phú Quốc sẽ triển khai trong 6 tháng, từ ngày 20/11 tổ chức đón 1 - 3 chuyến bay đầu tiên đến Phú Quốc vận hành thử nghiệm quy trình đón, phục vụ khách nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ ngày 20/12 sẽ thực hiện với hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ 20/12 đến 20/3/2022) thí điểm đón 3.000 - 5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến; phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế.
Giai đoạn 2 (từ 20/3/2022 đến 20/6-2022) sau khi đánh giá kết quả giai đoạn 1, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô, dự kiến đón 5.000 - 10.000 khách/tháng.
Đối tượng khách du lịch quốc tế mà Phú Quốc hướng đến là các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như: châu Âu, Trung Đông, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nga, Italia, Úc…
Để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại, hiện Phú Quốc đang tăng cường tiêm phủ vắc xin cho người dân.
Tại buổi tọa đàm Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn diễn ra sáng 8/10, ông Trần Văn Thọ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Hiện Phú Quốc đã tiêm vắc xin cho 90% dân số độ tuổi trên 18 tuổi. Chúng tôi cũng đã xây dựng phương án tổng thể để đón khách".
Ông Thọ cho biết Phú Quốc đã có 90% dân số tiêm mũi 1, tỷ lệ dân số tiêm đủ hai mũi vắc xin ở Phú Quốc đã đạt trên 35%. Con số này sẽ đạt trên 90% trong hơn hai tuần nữa.
Khánh Hòa xin đón khách quốc tế
Ngay sau khi kế hoạch đón khách quốc tế của Phú Quốc được phê duyệt, các địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa cũng lên phương án xin phép đón khách quốc tế. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Bộ VHTT&DL về việc xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” bằng các chuyến bay thuê bao đến Khánh Hòa.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngành du lịch của tỉnh có nhiều lợi thế để thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin”.
Hiện nay tỉnh đã kiểm soát được dịch COVID-19. Số thôn tổ dân phố vùng xanh đạt 86,6%. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 đạt gần 100%, tỷ lệ tiêm mũi 2 gần 10%; dự kiến đến cuối tháng 11, 100% người dân sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa có thời tiết thuận lợi (ít mưa bão vào những tháng cuối năm). Sân bay Cam Ranh, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) cấp chứng nhận sân bay an toàn (AHA), nhà ga quốc tế T2 được nâng cấp đủ năng lực đón 4 triệu khách quốc tế/năm.
Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có tính biệt lập với khu dân cư, hiện nay có 12 resort đang hoạt động với 6.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao; toàn bộ nhân lực du lịch ở khu vực này đã được tiêm vắc xin... Vì thế, Khánh Hòa xin được đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” từ tháng 11 tới.
Theo đó, giai đoạn 1 (từ tháng 11 đến hết 31/12) tỉnh sẽ sử dụng các khu nghỉ dưỡng ở Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (khu Bãi Dài) để đón khách.
Giai đoạn 2 (từ 1/1/2022 đến 31/3/2022) sẽ mở rộng ra khu nghỉ dưỡng của Vinpearl ở đảo Hòn Tre, khu nghỉ dưỡng Merperle Hòn Tằm, Champa Island… và các khu du lịch có tính biệt lập khác.
Khánh Hòa sẽ tập trung vào những thị trường khách đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Australia, Pháp, Đức… và một số thị trường Bắc Âu và Bắc Mỹ.
Khách quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” đến Khánh Hòa sẽ đi theo các chương trình khép kín, có sự giám sát chặt chẽ của công ty lữ hành cũng như cơ quan chức năng.
Đà Nẵng lên phương án đón khách du lịch nội địa, từng bước thí điểm đón khách quốc tế
Tối 14/10, Sở Du lịch TP Đà Nẵng chính thức có phương án đón khách quốc tế và khách nội địa trong trạng thái bình thường mới.
Theo Sở Du lịch, gần hai năm qua, hoạt động du lịch của Đà Nẵng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19: 90% doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động, hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp, đã và đang thất nghiệp.
Nhóm ngành dịch vụ, du lịch chiếm 64,3% cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng đã liên tục sụt giảm mức tăng trưởng. Do đó, Đà Nẵng cần sớm triển khai phương án đón và phục vụ khách nội địa để từng bước phục hồi du lịch, tạo sự lan tỏa đến các ngành khác như giao thông, công thương, bất động sản... nhằm đóng góp vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm.
Trước mắt, Sở Du lịch đề xuất UBND Thành phố Đà Nẵng phương án đón khách du lịch nội địa và xin chủ trương Chính phủ cho phép Đà Nẵng được thí điểm đón khách quốc tế.
Về phương án đón khách nội địa, có ba giai đoạn, gồm:
Giai đoạn 1 - từ 20/10: Đón khách du lịch tại chỗ là người dân thành phố; khách công vụ đến Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 - từ tháng 11: Điều chỉnh hình thức dịch vụ theo quy định phòng chống dịch, quy định đi lại của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT. Triển khai mô hình “bong bóng du lịch” với một số tỉnh thành kiểm soát tốt dịch bệnh để khai thác và trao đổi nguồn khách.
Hình thức: khách đi tour/combo khép kín qua công ty lữ hành khi đến Đà Nẵng; tour/combo trọn gói có thể là tour nghỉ dưỡng, tour golf, tour nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí (tại Bà Nà/núi Thần Tài/Hội An/Ngũ Hành Sơn)… Khách nội địa đến Đà Nẵng theo một hành trình khép kín.
Giai đoạn 3: Hoạt động du lịch trong tình hình bình thường mới theo chỉ đạo của Chính phủ và cập nhật hướng dẫn mới của các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng xin chủ trương Chính phủ cho phép thực hiện phương án thí điểm đón khách quốc tế, dự kiến tổ chức trong hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ tháng 11 đến khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế: Đón khách quốc tế và Việt kiều đi theo mục đích thương mại, công vụ, hồi hương, thăm thân... nhập cảnh Đà Nẵng.
Giai đoạn 2: Khi Chính phủ cho phép khôi phục lại các đường bay quốc tế kèm các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, TP Đà Nẵng.
TP Đà Nẵng dự kiến tập trung vào các thị trường tiềm năng gồm Hàn Quốc, Nga; các thị trường khác cho phép công dân được đi nước ngoài, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như: Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc, Trung Quốc… (tuỳ theo tình hình thực tế).
Để triển khai các phương án đón khách nội địa, quốc tế, dự kiến các hoạt động khôi phục du lịch của Đà Nẵng sẽ được triển khai ở hai cấp độ kiểm soát dịch bệnh: Nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình.
Khi thành phố chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang mức độ cao hơn thì phải thông báo cho các doanh nghiệp du lịch và khách biết trước 72h để doanh nghiệp và khách có thời gian chuẩn bị các thủ tục hoãn, hủy dịch vụ, hạn chế bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, khách do hoãn, hủy.
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, các công ty du lịch tại Hàn Quốc, Nga, các hãng hàng không… đang làm việc với Sở để đề xuất khôi phục các tour du lịch đến Đà Nẵng trong quý IV và năm 2022.