|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, giải pháp nào?

12:29 | 29/06/2020
Chia sẻ
Những ngày gần đây, khái niệm hành lang du lịch an toàn hay bong bóng du lịch giữa các nước đã khống chế tốt dịch bệnh liên tục được nhắc đến như là một giải pháp để mở cửa thị trường quốc tế. TBKTSG đã trao đổi với ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, về ý tưởng trên.
Mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, giải pháp nào? - Ảnh 1.

Ông Trần Trọng Kiên.

- Theo ông, tại sao cho rằng hành lang du lịch an toàn giữa các nước là giải pháp để mở cửa thị trường quốc tế trong thời điểm này?

- Tôi cho rằng ý kiến này đúng. Hiện tại, có thể nói Việt Nam đã chống dịch thành công, không còn lây nhiễm trong cộng đồng từ hơn hai tháng qua, trong khi nhiều nước trên thế giới thì chưa và không biết đến bao giờ mới có thể ngăn được đại dịch để phục hồi nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cùng nhiều điểm đến đã khống chế dịch bệnh tốt đều muốn dần mở cửa để hồi phục lại giao thương, du lịch. Để thực hiện được điều này nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất cho người dân thì lựa chọn duy nhất có thể tính đến là thiết lập hành lang du lịch an toàn.

Hiện nay, hầu hết người dân đã cảm thấy tự tin, an toàn và đã đi lại bình thường. Hành lang an toàn là việc tìm kiếm, đàm phán thành công để mở rộng đi lại tự do với bên ngoài như hiện nay chúng ta đã làm được ở trong nước.

- Một số nước đã có kế hoạch mở cửa, kèm theo đó là các quy định để bảo đảm an toàn như xét nghiệm virus trước, ngay và sau khi đến. Theo ông, nên làm gì vừa tạo thuận lợi để thu hút du khách vừa tránh lây nhiễm trong cộng đồng?

- Cơ sở để thực hiện hành lang an toàn là hai nước hoặc có thể nhiều hơn hai nước đã giải quyết được dịch bệnh, không có lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy có nghĩa là mỗi nước đã thành công trong việc chống dịch, du lịch nội địa đã mở cửa hoàn toàn, rủi ro là rất thấp như Việt Nam hiện nay.

Vì thế, việc kiểm dịch chỉ là phòng vệ với mục tiêu là đảm bảo phát hiện các nguy cơ lây nhiễm cao và dập ngay lập tức. Tôi cho rằng cách tốt nhất là tiến hành xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) kiểm soát theo mẫu, kết hợp với các giải pháp công nghệ để có thể theo dõi được nơi di chuyển của du khách, người tiếp xúc với họ.

Một vấn đề nữa là phải tiếp tục áp dụng các biện pháp an toàn tại các cơ sở lưu trú, vận chuyển và các dịch vụ du lịch khác như hiện vẫn đang áp dụng theo quy định của cơ quan chức năng.

Thực tế là số ca nhiễm trên thế giới vẫn tăng hàng ngày và chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ về bệnh dịch. Vì vậy, rất khó để tìm ra một quy trình hay một bộ tiêu chuẩn để có thể mở cửa ở thời điểm hiện tại mà vẫn đáp ứng được 100% mục tiêu an toàn.

Tuy nhiên, những người làm du lịch như chúng tôi biết rằng những mô hình như cách li du khách từ hai đến 14 ngày sau khi đến, xét nghiệm 100% số khách đến, hay việc tập trung khách vào một khách sạn, một vùng sẽ không có ý nghĩa với ngành du lịch.

- Việc tập trung khách vào một khách sạn, một vùng mà ông vừa nhắc đến có phải là đề xuất về gói du lịch biệt lập, đưa khách nước ngoài đến thẳng các khu nghỉ hoặc đến một số vùng đảo hay không?

- Tương tự như vậy, và như tôi đã trao đổi ở trên, đề xuất này không thực sự giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi. Chúng ta có thể cân nhắc vì khi thực hiện có thể đem lại nguồn khách cho một số khu nghỉ dưỡng, cho vài vùng nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ và bền vững.

- Theo ông, Việt Nam nên thực hiện hành lang này với những nước nào? Nguồn khách ra sao và khách hàng nào sẽ quay lại trước?

- Vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở nhiều nước cho nên chúng ta cũng không có quá nhiều lựa chọn để thực hiện hàng lang du lịch an toàn. Trước mắt, chỉ có thể tính đến mở cửa với một số điểm đến khống chế dịch tốt như Nhật Bản, Úc hoặc Lào. Mỗi nước sẽ có những nguồn khách khác nhau.

Chẳng hạn, ngành du lịch sẽ không có nhiều khách quốc tế cao cấp nếu mở cửa với Lào nhưng lại thu hút được nhiều khách chữa bệnh về thành phố và khách trung cấp đi nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng biển. Nếu mở được với Úc hay Nhật Bản thì lại là một thành công rất lớn vì đây là những nước có nguồn khách tốt, nhưng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% thị phần khách đi Đông Nam Á của họ. 

Việc mở cửa thành công sẽ đem lại cơ hội tăng thị phần trong thời gian ngắn nhất và cũng giúp người Việt được đi ra nước ngoài an toàn.

Hiện tại, khó có thể biết chính xác được phân khúc nào sẽ đến Việt Nam sớm nhất. Tuy nhiên, theo các khảo sát và trao đổi với những đối tác chiến lược, chúng tôi nhận định loạt khách đầu tiên sẽ là các nhà đầu tư, khách thương mại, tiếp theo đó là những người đi du lịch mạo hiểm. Để đón được khách nghỉ dưỡng cần có một lộ trình dài hơn, có thể phải mất 6-12 tháng.

- Doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng đến đâu cho kế hoạch mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế?

- Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm phục vụ hơn 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái. Nhiều khách sạn, dịch vụ để phục vụ khách quốc tế vẫn tiếp tục khai trương, vận hành trong đầu năm nay, bất chấp dịch Covid-19.

Điều đó nói rằng, ngành du lịch đã và luôn sẵn sàng phục vụ lượng khách này. Vấn đề hiện nay là phục vụ khách quốc tế an toàn, nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình vận hành để đảm bảo thực hiện được điều này.

- Việc kích cầu cho thị trường quốc tế nên như thế nào, thưa ông?

- Việc quay lại thị trường quốc tế khá thuận lợi vì những năm gần đây, điểm đến Việt Nam đã tạo được hình ảnh tốt với du khách về cảnh quan, con người, sản phẩm du lịch và giá cả. Du lịch cũng có thêm lợi thế lớn nhờ hình ảnh tích cực từ công cuộc chống dịch thành công của đất nước, cho nên việc thực hiện kích cầu cho thị trường quốc tế sẽ không quá khó khăn.

Chẳng hạn, nếu cần làm với thị trường Úc, chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư vào quảng bá số kết hợp với mở văn phòng “Visit Vietnam” tại Sydney và Melbourne. Đầu năm nay, Hội đồng Tư vấn du lịch đã mở văn phòng mẫu đầu tiên tại Anh và có kế hoạch mở văn phòng tại Úc trong năm nay. 

Việc quảng bá số cũng thuận lợi vì nền tảng để quảng bá trực tuyến của ngành du lịch đã được xây dựng tốt hơn trong vài năm gần đây và có thể tăng đầu tư để tạo nên hiệu quả tốt hơn nữa.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên mở được hành lang du lịch an toàn thì sẽ có nhiều du khách đến mà chẳng cần kích cầu vì nhu cầu du lịch sẽ rất cao.

- Ông có dự báo gì về khả năng hồi phục của ngành du lịch?

- Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 58-78% trong năm nay. Tình hình hồi phục sẽ khó nói nếu chưa tìm được vaccin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu. Tình hình hiện tại còn căng thẳng vì đã xuất hiện nhiều nguy cơ về khả năng có thể xảy ra một đợt bùng phát bệnh dịch mới trong thời gian tới.

Theo đó, chúng tôi dự báo, doanh nghiệp du lịch sẽ phải đối mặt với năm 2020 hết sức khó khăn cùng tương lai bất định trong các năm tới. Hiện nay, ít nhất khoảng 20-30% các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn đã dừng hoạt động. 

Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đều phải chịu lỗ nhưng thời gian từ 6-12 tháng tới sẽ còn khó khăn hơn nữa.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đào Loan thực hiện

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.