|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM cùng nhiều thành phố lớn đồng loạt nới lỏng giãn cách, mở lại các hoạt động

07:45 | 01/10/2021
Chia sẻ
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhiều địa phương đã bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.

Đà Nẵng cho phép người dân tắm biển

Bắt đầu từ hôm nay (30/9), TP Đà Nẵng chính thức áp dụng Chỉ thị 08, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Địa phương này đã nới lỏng các chốt kiểm soát (chỉ giữ lại các chốt ở vùng đỏ) để người dân được ra đường mua sắm, tham gia các hoạt động mà chính quyền cho phép.

Mỗi hoạt động sẽ được thực hiện với các biện pháp kèm theo như chợ truyền thống sẽ bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Với tiểu thương và những người làm việc trực tiếp liên quan đến hoạt động của chợ phải được tiêm ít nhất một liều vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; mang khẩu trang, khuyến khích đeo tấm che mặt trong suốt.

Và mỗi hộ gia đình chỉ được đi chợ với tần suất ba ngày/lần, đồng thời phải có Giấy đi mua hàng QR Code hợp lệ theo quy định; mang khẩu trang và khuyến khích đeo tấm che mặt trong suốt.

Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái bình thường mới - Ảnh 1.

Người dân Đà Nẵng tắm biển sau hai tháng ở nhà phòng dịch. (Ảnh: Văn Luận).

Các hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo,…trong nhà do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức (trừ các hoạt động, sự kiện được cấp có thẩm quyền cho phép) cũng sẽ được thực hiện nhưng tập trung không quá 20 người trong một phòng.

Trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 100 người.

Với những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ phải đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia hoạt động; đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tập trung không quá 30 người cùng một thời điểm.

Ngoài ra, với hoạt động tắm biển, thời gian được phép tắm biển hàng ngày là từ 4h30 đến 6h30. Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 1m với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong.

Tuy nhiên, TP chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).

TP Đà Nẵng cũng sẽ cho phép hoạt động lưu trú không quá 30% tổng số phòng hiện có, trường hợp 100% khách hàng đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì cho phép lưu trú không quá 50% tổng số phòng hiện có. Không được tổ chức các dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú.

Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp được tập trung không quá 20 người.

Các cơ sở cắt tóc, gội đầu sẽ được hoạt động khi chủ cơ sở, nhân viên đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; không phục vụ quá ba người cùng một thời điểm.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng cho phép tổ chức đám tang nhưng không quá 48 tiếng; tập trung không quá 20 người cùng một thời điểm, có sự giám sát của chính quyền địa phương và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Với hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng trong nội đô thành phố; vận chuyển khách bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông, vịnh Đà Nẵng được hoạt động tối đa không quá 50% số ghế quy định trên phương tiện.

Hải Phòng mở lại hàng loạt hoạt động

Sáng 29/9, UBND TP Hải Phòng có công văn hỏa tốc điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và mở lại một số hoạt động.

Nội dung công văn cho hay thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu đã được kiểm soát, đến nay đã hơn 40 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Vì thế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo từ 0h ngày 1/10, cho phép các địa phương mở lại khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ đón và phục vụ khách trong thành phố.

Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái bình thường mới - Ảnh 2.

Hải Phòng mở lại du lịch trong thành phố, khách phải tiêm đủ hai mũi vắc xin. (Ảnh minh họa: Zing).

Thành phố yêu cầu khách và người trực tiếp hướng dẫn tham quan phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc PCR trong vòng 72h; có chứng nhận tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19 và qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối; được Bộ Y tế công bố khỏi bệnh COVID-19 theo quy định.

Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng chỉ phục khách đang lưu trú và phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19; nhân viên phục vụ phải có xác nhận tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19 trở lên; định kỳ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên một tuần/lần, tuân thủ 5K.

Cũng tại công văn này, UBND TP Hải Phòng cho phép cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự được hoạt động để phục vụ cho nhu cầu người dân trong thành phố; tuy nhiên, phải đảm bảo không tập trung quá 20 người tại cùng một thời điểm hoặc không vượt quá 50% công suất.

Thành phố cũng cho phép hoạt động thể dục thể thao tại địa điểm công cộng, ngoài trời, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tập luyện thể thao, câu lạc bộ gym, yoga, bể bơi nhưng phải thực hiện nghiêm quy định 5K.

Đối với đám hỏi, đám cưới, thành phố yêu cầu tổ chức nhanh gọn, không mời khách từ các vùng đang có dịch. Trung tâm tiệc cưới được phép tổ chức dịch vụ cưới hỏi nhưng phải đảm bảo giãn cách, chỉ được phục vụ số lượng khách không vượt quá 50% chỗ ngồi.

Đám hiếu rút ngắn thời gian tổ chức, không tập trung quá 30 người cùng thời điểm, không quá 5 người/đoàn viếng.

TP Hải Phòng tiếp tục tạm dừng hoạt động cơ sở karaoke, massage, Internet, trò chơi điện tử, quán bar, pub, vũ trường; cơ sở hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, hoạt động sự kiện tập trung đông người.

TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam dần mở cửa

TP HCM đến nay đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội các mức độ, trong đó có hơn một tháng giãn cách nghiêm ngặt (từ 23/8). Tính đến nay, TP đã có 11 địa phương kiểm soát được dịch, gồm: TP Thủ Đức, các quận 7, 5, 1, 3, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Sau thời gian dài tiến hành giãn cách xã hội, sáng hôm nay (30/9) TP HCM hôm nay đã chính thức công bố kế hoạch điều chỉnh các biện pháp phòng, chống thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo đó, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được UBND TP HCM cho phép hoạt động lại từ sau ngày 30/9 như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ cưới - hỏi, cắt tóc, gội đầu,...

Bên cạnh đó, TP HCM cũng chính thức bỏ giấy đi đường và các chốt chặn. Song tại các chốt kiểm soát, công an vẫn kiểm tra xác suất về điều kiện tham gia lưu thông. Ngoài ra, TP HCM cũng lưu ý người dân không tự ý đi lại liên tỉnh.

Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái bình thường mới - Ảnh 3.

Những rào chắn cuối cùng tại TP HCM sẽ được gỡ bỏ. (Ảnh minh họa: Zing).

Không chỉ TP HCM, nhiều địa phương phía Nam khác như Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long,... cũng đồng loạt điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch.

Trưa 30/9, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường ký quyết định nới lỏng giãn cách 9 phường của hai quận trung tâm là Ninh Kiều và Cái Răng.

Cụ thể từ 12h cùng ngày, các phường An Hòa, An Khánh, Cái Khế, Hưng Lợi, Tân An, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều) và Hưng Phú, Phú Thứ, Tân Phú (quận Cái Răng) chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15.

Như vậy, tất cả xã, phường, thị trấn tại 9 quận, huyện của TP Cần Thơ đều đã chuyển sang thực hiện theo Chỉ thị 15.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời cho biết từ 0h ngày 1/10, toàn tỉnh sẽ thực hiện theo Chỉ thị 19.

UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ hướng dẫn tạm thời một số biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Người dân không ra đường trong khung thời gian từ 21h đến 4h sáng hôm sau.

Trong khi đó, từ 0h ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang cũng áp dụng thực theo theo Chỉ thị 19. Trước đó, tại Bạc Liêu, từ ngày 26/9, địa phương đã áp dụng Chỉ thị 19. Từ 0h ngày 27/9, tỉnh Bến Tre áp dụng Chỉ thị 19.

Khánh Hòa: Người có thẻ xanh COVID được di chuyển trong tỉnh

Chiều 30/9, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch "Thích ứng an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa" kể từ 0 giờ ngày 1/10. Cùng với đó là văn bản Hướng dẫn về việc triển khai giai đoạn 1 (từ ngày 1 đến 15/10).

Cụ thể, giai đoạn 1 áp dụng từ 0 giờ ngày 1/10 đến 15/10; giai đoạn 2 từ ngày 16/10 đến 15/11 và giai đoạn 3 từ 16/11 đến hết ngày 31/12/2021.

Trong giai đoạn 1, Khánh Hòa quy định người có thẻ xanh COVID là người đã tiêm đủ loại vắc xin tiêm hai mũi đã qua ít nhất 14 ngày sau mũi tiêm thứ hai; hoặc người nhiễm SARS CoV-2 đã khỏi bệnh, có giấy ra viện, đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà theo quy định và trong thời hạn 180 ngày tính từ ngày khỏi bệnh) được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh (liên huyện).

Khi đi đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khi đi qua các hộ chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở thôn, tổ dân phố, liên huyện, liên tỉnh thì phải xuất trình Thẻ xanh COVID theo yêu cầu; trừ các địa bàn đang áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển (vùng cam, vùng đỏ) để phòng, chống dịch theo quy định.

Người có Thẻ vàng COVID là người đã tiêm một mũi đối với vắc xin có yêu cầu hai mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V....) và đã qua 14 ngày kể từ ngày tiêm; hoặc là người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ khi lấy mẫu) được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp huyện (trừ các địa bản đang áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển). 

Khi đi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải xuất trình thẻ vàng COVID kèm theo Giấy xác nhận kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc PCR âm tính với SARS-CoV 2 trong thời gian 72 giờ.

Khi đi khám bệnh, chữa bệnh, đi làm hoặc di chuyển ngoài phạm vi cấp huyện, tại các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 liên huyện phải xuất trình thẻ vàng COVID kèm theo giấy tờ xác nhận đi làm việc, hoặc giấy tờ yêu cầu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ( nhân viên các chốt sẽ kiểm tra, cho phép di chuyển khi lộ trình phù hợp).

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, thương mại; các cơ sở nghiên cứu, y tế; nhà ga, bến xe, bến cảng, sân bay, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu, ...(tổ chức, doanh nghiệp) chỉ được phép hoạt động sau khi kế hoạch, phương án an toàn COVID-19 đảm bảo theo các tiêu chí quy định được Sở chuyên ngành, UBND cấp huyện kiểm tra, chấp thuận.

Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực biệt lập, sau khi đã đáp ứng các quy định, điều kiện tiêu chí về đảm bảo an toàn COVID-19, được lịch kiểm tra, chấp thuận thì được đón khách trong tỉnh (khách là người xanh COVID hoặc thẻ vàng COVID theo các điều kiện, tiêu chỉ trên.

Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động sau khi đáp ứng các quy định, tiêu chí về đảm bảo an toàn COVID-19, phục vụ tại chỗ cho người có thẻ xanh COVID. Người có thẻ vàng COVID vẫn được phục vụ tại chỗ nếu đáp ứng các quy định về thẻ COVID như trên.

Đối với các cơ sở, cửa hàng kinh doanh, cung cấp dịch vụ và sửa chữa điện, nước, viễn thông, xe máy, xe ô tô, dịch vụ cắt tóc gội đầu, bán hàng tạp hóa... chỉ được hoạt động khi chủ cơ sở đăng ký, được UBND cấp xã đồng ý và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tiếp tục tạm dừng hoạt động các quán bar, pub, vũ trường, karaoke, phòng trà ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, mát xa, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, gym, yoga, bi-a, bóng đá... và việc tổ chức liên hoan ăn uống, tiệc cưới, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao đông người, hoạt động tắm biển; quán ăn, uống trên các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Khánh Hòa; hoạt động vận tải hành khách công cộng nội tỉnh, liên tỉnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).

Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.