|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM chỉ đạo giám sát chặt hoạt động chuyển nhượng bất động sản

22:45 | 24/03/2020
Chia sẻ
Trước làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ xô vào Việt Nam, cùng với việc nhiều doanh nghiệp nội địa đang gặp khó khăn, UBND TP HCM giao các sở giám sát chặt thị trường bất động sản nhằm tránh hiện tượng thâu tóm đất thông qua hoạt động chuyển nhượng dự án, vốn tại doanh nghiệp trong nước.
Lo nhiều doanh nghiệp khó khăn trong nước bị thâu tóm, TP HCM giám sát chặt thị trường bất động sản  - Ảnh 1.

Lo nhiều doanh nghiệp khó khăn trong nước bị thâu tóm, TP HCM giám sát chặt thị trường bất động sản. Ảnh: Trường Nguyên.

Mới đây, UBND TP đã giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản thành phố trong thời gian qua và làm rõ các xu hướng đầu tư, các bất cập trong quản lí để tham mưu biện pháp quản lí, giám sát phù hợp.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao quản lí chặt chẽ việc quản lí, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng tài sản dự án.

Động thái này của thành phố diễn ra trong bối cảnh làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ xô vào Việt Nam và doanh nghiệp nội địa đang đuối sức bởi nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước khi gặp khó khăn có nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại này. Thực tế, thị trường bất động sản TP HCM đã phải đương đầu với khó khăn từ hai năm nay.

Đơn cử như trường hợp 63 dự án nhà ở thương mại đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư từ tháng 12/2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do các dự án này chưa phải là đất ở (có nguồn gốc từ bồi thường đất nông nghiệp hoặc sử dụng đất chuyên dùng).

Các bước làm thủ tục pháp lí kéo dài nhiều năm, chưa kể thời gian thi công cũng mất thêm vài năm khiến doanh nghiệp bị chôn vốn và mất thanh khoản, giá thành sản phẩm cao, sức mua không tốt và kéo theo đó doanh nghiệp không có doanh thu.

Thêm vào đó, với diễn biến khó lường của dịch COVID-19 như hiện nay, các sự kiện như quảng bá tiếp thị, bán hàng của các doanh nghiệp đều bị hủy bỏ.

Điều này làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động và tăng nguy thua lỗ, phá sản.

Ngược lại, điều kiện thị trường hiện nay có khi lại là cơ hội mới cho những doanh nghiệp ngoại có vốn mạnh, dẫn đến một làn sóng M&A trên thị trường.

Theo Chủ tịch HoREA, với những khó khăn hiện tại buộc "các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn này".

Nguyên Ngọc