|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giám đốc Sở TN-MT TP HCM: Rà soát, thu hồi hàng trăm hecta đất

18:59 | 16/03/2020
Chia sẻ
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, khẳng định TP đang rà soát, buộc các đối tượng sử dụng phải công khai mục đích, kế hoạch và kết quả sử dụng nhà, đất thuê của nhà nước.

Phóng viên: Nhà, đất công được hiểu thế nào và việc cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP HCM thuê hiện nay thực hiện ra sao, vì sao phải sắp xếp lại, thưa ông? 

Giám đốc Sở TN-MT TP HCM: Rà soát, thu hồi hàng trăm hecta đất - Ảnh 1.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM: Trước hết cần phải nói rõ, Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 đều không có khái niệm đất công.

Tuy nhiên, theo pháp luật đất đai, nhà nước quản lý đất đai thông qua việc quyết định mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức, thời hạn sử dụng đất... trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng thông qua các hình thức giao đất không thu tiền hoặc có thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất thu tiền hằng năm hoặc thu tiền 1 lần cho cả thời gian thuê và công nhận quyền sử dụng đất. 

Tương tự, quyền của các tổ chức sử dụng đất tương ứng với hình thức được nhà nước giao là giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền thuê…

Ngoài ra, Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có đất đai) thì những trường hợp sau đây phải thực hiện sắp xếp lại, gồm: Đất của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ.

Nghĩa là có tình trạng sử dụng sai mới sắp xếp lại, vậy theo ông, phương án sắp xếp sẽ ra sao để không gây lãng phí tài sản nhà nước?

Đúng là có thực trạng đó. Do đó, năm 2019, UBND TP đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND cấp quận - huyện, DN thuộc TP lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN thuộc phạm vi quản lý của TP, thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo 167 do Sở Tài chính chủ trì.

Tức TP HCM rất cương quyết trong việc quản tài sản công, ở đây có nhà và đất, vậy tiến độ rà soát nhà, đất do nhà nước trực tiếp quản lý ở TP HCM hiện nay như thế nào?

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN-MT), từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến năm 2019, trung tâm này được giao quản lý, xử lý thu hồi 164 khu đất với tổng diện tích 394,1788 ha.

Cụ thể, đối với nhà đất thuộc đối tượng sắp xếp theo Nghị định 167 là 105 khu tổng diện tích 62,7275 ha, trong đó đã thu hồi 82 khu đất với diện tích 48,4242 ha, đang xử lý thu hồi 23 khu đất với diện tích 14,3033 ha.

Đối với nhà đất quản lý, xử lý thu hồi theo quy định khoản 1, điều 64, khoản 1 điều 65 của Luật Đất đai năm 2013 và các trường hợp khác là 59 khu đất, tổng diện tích 331,45136 ha. 

Trong đó, đã thu hồi 36 khu đất với diện tích 33,0178 ha, đang xử lý thu hồi 23 khu đất với diện tích 298,4358 ha.

Giám đốc Sở TN-MT TP HCM: Rà soát, thu hồi hàng trăm hecta đất - Ảnh 2.

Một khu đất diện tích hàng ngàn m2 ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM bị bỏ hoang do doanh nghiệp nhận rồi để đó... Ảnh: Thu Hồng

Để quản lý sử dụng nhà, đất do nhà nước trực tiếp quản lý hiệu quả hơn, tạo nguồn thu chính đáng cho ngân sách TP, Sở TN-MT đã và sẽ có những đề xuất hay giải pháp nào thiết thực?

Cần phải khẳng định việc sử dụng phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng mà nhà nước giao. 

Việc sử dụng phải tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh và chủ sở hữu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định để nhà nước quản lý hiệu quả quỹ nhà, đất này.

Để quản lý hiệu quả hơn, các sở, ngành liên quan, địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát nghiêm ngặt theo tinh thần Nghị định 167, buộc các đối tượng sử dụng đất phải công khai các mục đích sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và kết quả sử dụng. 

Nếu tổ chức, cá nhân nào sử dụng không đúng mục đích cam kết, đề nghị tiến hành thu hồi theo quy định. 

Những con số đáng lưu tâm

Về thực trạng sử dụng nhà, đất do nhà nước trực tiếp quản lý rồi cho thuê ở TP HCM, trước đó, Thanh tra TP đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng.

Cụ thể, kết luận của Thanh tra TP đã chỉ ra 103 mặt bằng sai phạm, trong đó 17 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, 32 mặt bằng cho thuê trái phép, 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí, 3 mặt bằng để xảy ra lấn chiếm, còn lại vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng...

Nguyên nhân là do sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng của cá nhân, tổ chức được giao đất khi lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh để cho thuê đất hoặc tự ý bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khu đất đang quản lý...

Mới đây, tại buổi làm việc, duyệt chương trình kế hoạch công tác năm 2020 của UBND quận 9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận 9 rà soát kỹ toàn bộ đất công, nhà công trên địa bàn xem thực trạng sử dụng như thế nào và đề xuất hướng xử lý cụ thể.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: TP sẽ thu hồi toàn bộ nhà, đất công bị sử dụng sai mục đích và xử lý nghiêm sai phạm, thậm chí có trường hợp sẽ xử lý hình sự.

Điểm mặt

Từ nhiều năm nay, Công ty CP Giày Sài Gòn (quận 10, TP HCM) không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khu "đất vàng" của công ty có diện tích 10.000 m2, giáp 3 mặt tiền gồm: Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn - Trần Nhân Tôn hiện đang cho Công ty Thành Bưởi thuê không đúng quy định.

Hợp đồng nêu rõ mục đích sử dụng đất phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng lại biến tướng thành bến xe khách, kho bãi chứa hàng hóa.

Giá thuê được đưa ra 440 triệu đồng/tháng. Từ sáng đến tối có hàng ngàn lượt khách ra vào gây kẹt xe ở đường Vĩnh Viễn. Trong khi đó, tại khu vực này, đất để phát triển giáo dục đang thiếu trầm trọng.

Nhiều lần UBND quận 10 ra quyết định xử phạt về việc sử dụng sai mục đích nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó.

Rạp Vườn Lài (quận 10, TP HCM) dành phần lớn diện tích để cho thuê mở quán cà phê. Ảnh: Lê Phong

Gần đó, rạp hát Vườn Lài (quận 10) gần như không có khách ra vào. Tuy nhiên, phía trước rạp lúc nào cũng kín xe máy, bởi gần một nửa diện tích rạp dùng để mở quán cà phê.

Hay như rạp Hùng Vương - số286 Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM) hiện nay không ai nhận ra đây là rạp hát. Lý do: Phía trước rạp và bên trong lấp đầy các bàn ghế, thùng bia và đồ nhậu.

Phía trước rạp treo tấm bảng "Trung tâm giao lưu văn hóa ẩm thực..." nhưng tất cả vị khách đến đây chỉ để ăn uống như bao quán nhậu khác.

Khu "đất vàng" thuộc sở hữu của Công ty CP Lưới thép Bình Tây nằm ở số nhà 425 Âu Cơ, quận Tân Phú, TP HCM hiện cũng đang bao phủ tứ bề là quán nhậu, xưởng gỗ, kho tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng cơ khí.

Ghi nhận bên trong cho thấy gần 2/3 diện tích làm nhà tạm, bãi đậu ôtô. Hay như Công viên Kỳ Hòa (quận 10), hiện nay đã bị nhà hàng, quán ăn "nuốt" không ít diện tích.

Đi từ đường Lê Hồng Phong sẽ chỉ bắt gặp tấm bảng "Trung tâm hội nghị tiệc cưới Kỳ Hòa". Đến nơi đây, chắc chắn người lạ sẽ ngơ ngác hỏi đâu là lối vào công viên!

Lê Phong

Thu Hồng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.