Top10 tăng/giảm tuần (23 - 27/12): Bộ đôi mã TNA và VRC giảm sâu, ROS mất thanh khoản và rớt khỏi mốc 20.000 đồng/cp
Tuần qua (23 - 27/12), VN-Index vận động giằng co trong kênh giá hẹp 955 - 965 điểm, tiến lên cận trên của vùng giá này trong phiên cuối tuần. Tín hiệu tích cực từ động thái giảm thuế nhập khẩu của Trung Quốc không hỗ trợ nhiều tâm lí nhà đầu tư.
Khối ngoại mua ròng trở lại, giảm bớt tác động tiêu cực lên thị trường. Thanh khoản xuống thấp, phản ánh tâm lí chờ đợi thời cơ cho năm 2020. Đi cùng sự sụt giảm về thanh khoản, phần lớn các nhóm cổ phiểu theo vốn hóa ghi nhận hiệu suất âm ngoại trừ nhóm vốn hóa lớn và VN30.
Bộ đôi TNA và VRC giảm sâu sau thời gian tăng nóng
Thống kê trên HOSE, hàng loạt các cổ phiếu tăng nóng trong thời gian vừa qua đều đã quay đầu giảm sâu. Điển hình, mã VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC giảm 23,37% tuần qua xuống còn 19.350 đồng/cp. Cổ phiếu này có 5 phiên giảm giá tuần qua, trong đó có 3 phiên giảm sàn cuối tuần.
Cùng với VRC, cổ phiếu TNA của Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam cũng có 5 phiên giảm giá, trong đó có ba phiên giảm sàn cuối tuần. Giá cổ phiếu này giảm 19,74%, xuống còn 21.750 đồng/cp.
Cùng với TNA và VRC, mã LMH của Landmark Holding cũng có 3 phiên giảm sàn cuối cùng, khiến giá cổ phiếu mất 19,84% giá trị tuần qua.
Trong cùng diễn biến giảm giá của hàng loạt của hàng loạt cổ phiếu tăng nóng vừa qua, các mã đầu tư cũng quay đầu giảm sâu như CLG (20,6%), HAR (19,33%), HAI (15,58%) và AMD (15,29%).
Đáng chú ý, cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros có hai phiên giảm sàn cuối tuần với lượng dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị. Phiên 27/12, cổ phiếu ROS khớp lệnh 883.180 đơn vị, thấp nhất trong 3 tháng gần đây.
Tại chiều tăng giá, mã GAB của CTCP GAB dẫn đầu với tỉ lệ 39,06%. Mã này đã có 5 phiên tăng trần tuần qua, nối dài chuỗi phiên tăng trần lên 7 phiên. Theo sau đó, hai mã VTB và NHH tăng lần lượt 24,51% và 21,39%.
Hai cổ phiếu penny là DLG và CCL nằm trong Top10 mã tăng giá mạnh nhất sàn HOSE tuần qua với tỉ lệ sinh lợi là 21,05% và 13,99%. Ngoài ra, nhóm 10 cổ phiếu dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá sàn này còn có các mác khác như FDC, IJC, TCH, PNC và TPC.
Cổ phiếu PTI dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá trên HNX
Thống kê trên sàn HNX, cổ phiếu PTI của Bảo hiểm Bưu điện dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 26,71%. Các mã có tỉ lệ sinh lợi trên 20% tuần qua trên sàn HNX còn có NHP, CTP, HTP và TXM.
Các cổ phiếu khác có thanh khoản thấp và lọt Top10 mã tăng giá mạnh nhất trên HNX như TTL, CLH, VC7, NST và SGD.
Tại chiều ngược lại, cổ phiếu DPS của Đầu tư Phát triển Sóc Sơn mất 1/3 giá trị, xuống còn 200 đồng/cp. Được biết, mã DPS trong diện bị hạn chế giao dịch của HNX và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.
Những cổ phiếu khác nằm trong nhóm 10 mã giảm giá mạnh nhất sàn HNX còn có các cổ phiếu như VTJ, LUT, API, ACM, DZM, DNC và UNI. Cổ phiếu CSC của Tập đoàn COTANA quay đầu giảm điểm sau thời gian tăng nóng, mất 17,49% tuần qua.
Cổ phiếu HCI tăng gần gấp đôi tuần qua
Trên thị trường UPCoM, giao dịch đáng chú ý nhất là việc cổ phiếu Đầu tư - Xây dựng Hà Nội tăng giá gần gấp đôi tuần qua (97,46%), lên mức 23.300 đồng/cp. Cụ thể, cổ phiếu HCI đã có 5 phiên tăng giá liên tiếp tuần qua, trong đó có 4 phiên tăng trần.
Đáng chú ý, chuỗi tăng giá của cổ phiếu HCI bắt đầu từ giữa tháng 12. Nhưng giá cổ phiếu này đã tăng gần 4 lần kể từ thời điểm đó.
Sau HCI, cổ phiếu MGG của Tổng Công ty Đức Giang tăng giá 80,16% tuần qua lên 61.675 đồng/cp. Giá cổ phiếu MGG cũng tăng hơn 2 lần kể từ phiên 9/12.
Những mã tăng giá trên 50% tuần qua trên thị trường UPCoM còn có các cổ phiếu khác như BHK, LGM, SCC và DAS.
Ở chiều giảm, cổ phiếu V11 của Xây dựng số 11 mất 50% giá trị tuần qua, xuống còn 100 đồng/cp. Nhóm 10 mã giảm giá mạnh nhất tuần qua trên thị trường UPCoM có các cổ phiếu khác như VDT, TQN, DVW, VHH, GTT, PSG, HRB và SGS. Các mã trên đều là các cổ phiếu thanh khoản thấp, nên không được nhiều nhà đầu tư quan tâm.