|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tổng vốn đầu tư vào startup Trung Quốc chạm mức thấp nhất sau 8 năm

14:36 | 26/07/2022
Chia sẻ
Dường như việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định với nhiều lĩnh vực cũng như các chinh sách phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt đã khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn khi rót vốn cho các startup ở thị trường tỷ dân.

Mới đây, tờ Asia Nikkei đã đưa tin tổng nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp ở Trung Quốc trong quý II đã chạm mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định với các công ty công nghệ cũng như những chính sách phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt đè nặng áp lực lên nền kinh tế hàng đầu châu Á.

 

Theo báo cáo của hãng kiểm toán hàng đầu thế giới KPMG, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đã giảm từ mức 18,1 tỷ USD trong quý I xuống còn khoảng 9,1 tỷ USD trong quý II.

Theo Asia Nikkei, đây là con số thấp nhất kể từ quý IV/2014, thời điểm tổng nguồn vốn cho startup tại Trung Quốc đạt mức 5,5 tỷ USD. Con số trong quý II đồng thời cũng giảm sâu so với mức 32,1 tỷ USD trong quý cuối năm 2021.

Sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư cho startup tại Trung Quốc là một thông tin đáng chú ý, ngay cả khi nhiều startup trên toàn cầu cũng đang phải vật lộn để huy động thêm vốn sau thời gian cổ phiếu công nghệ bị bán tháo. Tính trên phạm vi toàn cầu, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho startup trong quý II đã giảm 27% so với quý trước, xuống còn 120,8 tỷ USD, con số thấp nhất kể từ quý IV/2020.

Tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Trung Quốc giai đoạn 2014 - 2022. (Nguồn: Asia Nikkei/KPMG).

Được thúc đẩy bởi sự thành công của những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba Group Holding và Tencent Holdings, Trung Quốc đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu tại châu Á cho các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nhiều năm. Báo cáo của KPMG cho thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đạt 44,1 tỷ USD trong quý II/2018.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt các công ty công nghệ, chẳng hạn như việc ban hành luật bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt và yêu cầu các công ty dạy thêm phải đăng ký làm tổ chức phi lợi nhuận, đã khiến giá trị của các công ty khởi nghiệp bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực và trực tiếp khiến các nhà đầu tư cân nhắc kỹ hơn về quyết định của mình.

Irene Chu, trưởng bộ phận New Economy and Life Sciences của KPMG Trung Quốc cho biết: “Một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang xem xét lĩnh vực nào phù hợp hơn với triển vọng của nền kinh tế nơi họ sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng. Vì vậy, rất nhiều trong số đó đang thay đổi chiến lược, khiến hoạt động đầu tư nói chung chậm lại”.

Vòng gọi vốn lớn nhất ở Trung Quốc trong quý này là khoản huy động 4,5 tỷ nhân dân tệ (672 triệu USD) của CanSemi Technology, một nhà sản xuất chất bán dẫn. Các nhà đầu tư, bao gồm chi nhánh đầu tư của nhà sản xuất ô tô quốc doanh Trung Quốc Guangzhou Automobile Group, đã tham gia vào vòng đấu này. Trong khu đó, chi nhánh đầu tư tư nhân của Goldman Sachs đồng dẫn đầu khoản đầu tư 300 triệu USD vào công ty chế tạo người máy MegaRobo.

Các thị trường khác thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là thị trường đầu tư mạo hiểm lớn nhất trong khu vực bất chấp sự sụt giảm, chiếm hơn một phần ba tổng nguồn vốn đầu tư vào khu vực trong quý II. Dù vậy, sự sụt giảm trong tổng giá trị nguồn vốn đã thu hẹp khoảng cách giữa các thị trường khác.

Vốn đầu tư mạo hiểm ở Ấn Độ đã giảm với tỷ lệ nhỏ hơn 30% so với quý trước, xuống còn 6,5 tỷ USD trong quý II. Các công ty khởi nghiệp cây nhà lá vườn đã được hưởng lợi từ lệnh cấm của chính phủ đối với các dịch vụ phần mềm của Trung Quốc như ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok.

VerSe Innovation, công ty điều hành một ứng dụng xem video ngắn có tên Josh, đã huy động được 805 triệu USD vào tháng 4, đứng đầu danh sách các vòng gọi vốn lớn nhất ở châu Á trong quý II. ShareChat, cũng sở hữu một ứng dụng xem video ngắn, đã huy động được 300 triệu USD trong tháng 5.

Theo một báo cáo riêng của tờ DealStreetAsia, nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á cũng không thay đổi, với gần một nửa tổng giá trị nguồn vốn đầu tư là do các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính huy động được.

Coda Payments có trụ sở tại Singapore, một công ty thanh toán trực tuyến, đã huy động được 690 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ và quỹ tài sản có chủ quyền của Singapore GIC. Xendit, một công ty khởi nghiệp của Indonesia chuyên giúp các doanh nghiệp xử lý các khoản thanh toán, cũng đã huy động được 300 triệu USD.

Tại Trung Quốc, các nhà quan sát đang theo dõi liệu khoản phạt trị giá 1,2 tỷ USD đối với công ty gọi xe Didi Global, được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài một năm, có phải là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nới lỏng đàn áp các gã khổng lồ công nghệ hay không.

Ông Chu của KPMG Trung Quốc cho biết: “Một khi tất cả mọi thứ quay trở lại bình thường, tỷ lệ thất nghiệp và tình hình COVID-19 ổn định, tôi thực sự nghĩ rằng thị trường sẽ có tính thanh khoản cao hơn”.

 

Quốc Anh