Tổng thống Trump cố trấn an, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn hoảng loạn vì lo dịch virus corona
Theo Bloomberg, Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao của ông muốn thị trường thế giới và công chúng Mỹ tin rằng virus corona không phải là rủi ro lớn đối với nước này.
Nhưng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lại nói điều ngược lại. Hôm thứ Ba (25/2), CDC cảnh báo rằng dịch virus corona chắc chắn sẽ lây lan ở Mỹ, và điều này có thể gây ra gián đoạn đáng kể đến sự vận hành của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cho đến nay, thị trường chứng khoán đang đứng về phía các chuyên gia CDC. Chứng khoán Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 tuần sau lời cảnh báo của CDC. Chỉ số S&P 500 giảm tổng cộng 7,6% chỉ trong 4 ngày. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử có hai phiên liên tiếp giảm trên 800 điểm.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy nói với Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ: "Người dân Mỹ xứng đáng nhận được những câu trả lời thẳng thắn về dịch virus corona, nhưng tôi không nhận được những câu trả lời ấy từ ông".
Những thông điệp trái chiều từ các quan chức hàng đầu của Mỹ cho thấy thế cân bằng mà Tổng thống Trump muốn tạo ra: Thể hiện rằng chính quyền hiện tại kiểm soát được tình hình, và tránh bất kì động thái nào có thể khiến thị trường chứng khoán rơi vào hoảng loạn và bán tháo, trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của ông đang dần nóng lên.
Hôm 25/2 khi đang thăm Ấn Độ, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng dịch bệnh này "đang được kiểm soát tốt" ở Mỹ. Ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống, tuyên bố "chúng ta đã khống chế được dịch virus corona".
Nhưng những phát biểu này lại trái ngược với ý kiến của các chuyên gia y tế công cộng tại CDC. Bà Nancy Messonnier, một trong những lãnh đạo của CDC cho biết: "Chúng tôi cho rằng dịch bệnh sẽ lan ra tại Mỹ. Câu hỏi ở đây không phải là liệu điều này có xảy ra không, mà là bao giờ nó sẽ đến".
Tính đến 25/2, S&P 500 đã sụt giảm trong 4 ngày liên tiếp. Đây là chuỗi giảm điểm dài nhất của chỉ số này kể từ ngày 5/8/2019.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng số trường hợp nhiễm virus corona toàn cầu đã tăng thêm 900 ca trong một ngày, lên tới hơn 80.000, và có thêm 4 quốc gia mới xác nhận có người bị nhiễm virus corona, bao gồm: Afghanistan, Bahrain, Iraq và Oman.
Điều này đã làm tăng thêm mối quan ngại của các nhà đầu tư về khả năng đối phó với dịch bệnh của chính phủ Mỹ.
Theo CDC, Mỹ mới chỉ ghi nhận 60 trường hợp nhiễm virus corona, và chưa có ca tử vong nào. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đang lo ngại sâu sắc rằng chính phủ nước này không có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bùng phát dịch bệnh trong nước.
Theo Bloomberg, một số nhà lập pháp đã hối thúc tổng thống phải phản ứng mạnh mẽ hơn, bao gồm tăng thêm các hạn chế đối với việc di chuyển tới những quốc gia có dịch. Nhưng Nhà Trắng lại đang lo lắng về tác động những biện pháp này có thể gây ra đối với nền kinh tế, và sâu xa hơn là tới chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar nói với các nhà lập pháp rằng nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt khẩu trang nếu dịch virus corna bùng phát lớn.
Bộ trưởng Azar cho biết hiện Mỹ có khoảng 30 triệu khẩu trang N95 dự trữ, nhưng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, các nhân viên y tế toàn quốc sẽ cần tới 300 triệu chiếc khẩu trang.
Rót tiền để chống dịch bệnh
Hôm 24/2, chính quyền tổng thống Trump đã yêu cầu Quốc hội cấp 2,5 tỉ USD để giúp chống lại bùng phát dịch virus corona có thể xảy ra trong tương lai.
Tiền sẽ được sử dụng để tăng cường giám sát dịch bệnh, hỗ trợ các cơ quan y tế tại địa phương và các bang, tài trợ cho các nghiên cứu về vắc-xin và thuốc điều trị, dự trữ thêm đồ bảo hộ y tế bao gồm khẩu trang và mặt nạ phòng độc.
Đảng Dân chủ và cả một số thành viên Đảng Cộng hòa nói rằng yêu cầu của Nhà Trắng là không đủ.
Thậm chí, một số đồng minh thân cận của Tổng thống Trump còn bày tỏ sự thất vọng với sự chuẩn bị và những tuyên bố công khai của chính phủ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy phàn nàn rằng rằng các quan chức Mỹ thậm chí còn không thể trả lời một cách thống nhất những câu hỏi cơ bản về virus corona.
Sự lạc quan của Tổng thống Trump
Cho đến nay, thông điệp của ông Trump đến người dân Mỹ là ngay cả khi họ nhiễm virus corona, thì căn bệnh này cũng không thể giết chết họ.
Tại Ấn Độ, Tổng thống Trump cho rằng: "Khả năng cao là bạn sẽ không chết" vì nhiễm virus corona.
Cho đến nay, trong số 60 trường hợp nhiễm virus corona ở Mỹ, có 36 người là hành khách trên một con tàu du lịch ở Nhật Bản - một trong những "ổ dịch" lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Hiện chưa có ca tử vong nào trong số 36 người này.
Tổng thống Trump nói: "Chúng tôi tin rằng họ sẽ hồi phục rất nhanh chóng".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Roy Blunt của Đảng Cộng hòa thì có cái nhìn bi quan hơn nhiều: "Đúng là hầu hết bệnh nhân đang khỏe lại. Nhưng không phải ai cũng vậy. Những người đã chết không thể khỏi bệnh được".