|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Mỹ hy vọng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái

22:30 | 17/06/2022
Chia sẻ
Ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, tinh thần của người dân Mỹ “thực sự đi xuống” sau hai năm “chống chọi” với đại dịch COVID-19, sự biến động của nền kinh tế và hiện nay là giá xăng dầu tăng cao. Nhưng ông nhấn mạnh rằng, nguy cơ suy thoái là "có thể tránh khỏi" và hy vọng sẽ giúp đất nước lấy lại được niềm tin.

Tổng thống Mỹ hy vọng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái. (Ảnh minh hoạ: The Atlantic).

Trong một cuộc phỏng vấn tại Phòng Bầu dục với hãng tin AP, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng nền kinh tế bị tổn thương mà ông tiếp quản từ chính quyền tiền nhiệm và những “vết sẹo” tâm lý dai dẳng do đại dịch đã làm gián đoạn ý thức về bản sắc của người dân Mỹ.

Ông phản đối những tuyên bố của các nhà lập pháp Cộng hòa rằng kế hoạch viện trợ COVID-19 hồi năm ngoái là nguyên nhân khiến lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm.

Ông nói: "Nhu cầu về sức khỏe tâm lý của người dân Mỹ đã tăng vọt vì mọi người đã thấy mọi thứ trở nên khó chịu và ảm đạm. Hầu hết đó là hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19".

Sự bi quan đó đã lan sang nền kinh tế khi giá cả tăng kỷ lục và lạm phát dai dẳng, đe dọa tới khả năng duy trì quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Ông Biden đã trấn an những lời cảnh báo của các nhà kinh tế rằng việc chống lạm phát có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ông nhấn mạnh: “Trước hết, điều đó hoàn toàn có thể tránh khỏi. Thứ hai, nước Mỹ đang ở một vị trí mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua đợt lạm phát này".

Đối với nguyên nhân của lạm phát, ông Biden nói: “Nếu đó là lỗi của tôi, tại sao ở mọi quốc gia công nghiệp lớn khác trên thế giới, lạm phát lại cao hơn?”. Tổng thống Mỹ cho biết, ông thấy lý do để lạc quan với tỷ lệ thất nghiệp 3,6% và sức mạnh nền kinh tế Mỹ trên thế giới.

Tuy nhiên, niềm tin dành cho ông Biden vẫn chưa thể cải thiện, do ông mất sự ủng hộ của các đảng viên Dân chủ và có rất ít bằng chứng cho thấy ông có thể khôi phục lại sự tín nhiệm của lưỡng đảng đối với Washington.

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 5/2022 từ Trung tâm Nghiên cứu công của Associated Press-NORC, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Biden đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Theo cuộc thăm dò, chỉ có 39% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ những gì ông Biden đạt được với tư cách là Tổng thống, giảm so với xếp hạng vốn đã ở mức tiêu cực trong cuộc khảo sát một tháng trước đó.

Chỉ có khoảng 2 trong số 10 người trưởng thành nói rằng Mỹ đang đi đúng hướng hoặc nền kinh tế đang phát triển tốt. Cả hai chỉ số đều giảm so với khoảng 3 trong 10 người ở cuộc thăm dò trước đó một tháng.

Trong khi đó, niềm tin của các nhà đầu tư vào một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ cũng đang gặp thử thách, khi đợt tăng lãi suất mới nhất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại về suy thoái và sự bất ổn của thị trường trong thời gian tới.

Năm ngoái, vào thời điểm nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở gần bằng 0 và cho phép mức tăng nguồn cung tiền 40% trong khoảng thời gian hai năm qua.

Tương tự như vậy, khi thị trường cổ phiếu và bất động sản bùng nổ, Fed tiếp tục bơm thanh khoản vào thị trường bằng cách mua 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng.

Việc Fed quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp vừa qua, mức tăng mạnh nhất trong gần ba thập kỷ, đang thúc đẩy cảnh báo rằng bước đi duy nhất nhằm kiềm chế đà tăng giá chóng mặt sẽ “nhấn chìm” các gia đình Mỹ bởi một cuộc suy thoái toàn diện.

Fed vẫn hy vọng họ có thể làm chậm lại hoạt động kinh tế và nhu cầu tiêu dùng, “hạ nhiệt” tốc độ tăng cao của lạm phát, mà không làm trật bánh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng thị trường ngày càng hoài nghi về cơ hội thành công của Fed.

Việc tăng lãi suất mạnh tay diễn ra trong bối cảnh Fed phải đối mặt với áp lực lớn để kiềm chế giá khí đốt, thực phẩm và nhà ở tăng cao khiến hàng triệu người Mỹ phải vật lộn để kiếm sống và khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm xuống.

Fed đã tăng lãi suất chủ chốt 1,5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) và các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 đang đồng thời diễn ra khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn bốn thập kỷ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, suy thoái và việc làm hiện không phải là mối quan tâm chính, việc kiềm chế lạm phát nhanh chóng mới là điều cấp thiết cần phải giải quyết vì nó rất quan trọng đối với một nền kinh tế khỏe mạnh.

Thị trường lao động lành mạnh và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi một kho dự trữ tiết kiệm dồi dào, đang có lợi cho Fed và có thể hỗ trợ cho đà tăng trưởng ngay cả khi nền kinh tế “nguội” đi.

Sau quyết định của Fed, lãi suất thế chấp đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm, với mức trung bình cho khoản vay mua nhà lãi suất cố định trong 30 năm đạt 5,78%. Các tài xế vẫn phải đối mặt với giá xăng ở mức hơn 5 USD/gallon (1 gallon= 3,78 lít), mặc dù lần đầu tiên trong nhiều ngày, mức giá xăng trung bình trên toàn quốc đã giảm vào ngày 15/6, giảm so với mức cao kỷ lục xác lập trong ngày 14/6.

Ông Biden đã ký một dự luật cải cách trong lĩnh vực vận tải vào ngày 16/6, cho phép Chính phủ trừng phạt các công ty đã tăng chi phí vận tải lên tới 1.000%, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng.

Với sự thay đổi lập trường chính sách của Fed theo hướng siết chặt các điều kiện cho vay, vốn được các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm tới, họ chỉ có thể hy vọng một cuộc “hạ cánh mềm", bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo ra nhiều việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2022 là 3,6%, chỉ cao hơn một chút so với mức trước đại dịch và nước này có gần hai cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp, so với tỷ lệ trước đó là 1,3 trước khủng hoảng COVID-19.

Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng, các dữ liệu kinh tế trong vài tháng qua đã làm tăng mức độ khó khăn của kế hoạch “hạ cánh mềm” và việc này có thể sẽ "phụ thuộc vào các yếu tố mà chúng ta không kiểm soát được".

Tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể báo hiệu sự bắt đầu của suy thoái kinh tế. Chuyên gia Steve Englander của Ngân hàng Standard Chartered nói: “Nguy cơ suy thoái đang gia tăng và nếu không có hành động cứng rắn để kiềm chế giá cả, Mỹ có thể đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ được ghi nhận lần cuối vào những năm 1970 và 1980”.

Minh Trang